Thanh tra Chính phủ vừa có Văn bản số 610/BC - TTCP gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Theo đó, đội tổng mức đầu tư, quản lý chi phí chưa hiệu quả là hiện tượng phổ biến nhất trong quá trình sử dụng vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ tại 15 bộ, ngành.
Đợt thanh tra chuyên đề trên được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể, trong thời gian 1 năm (từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015), dưới sự hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, đã có tới 740 đoàn được thành lập để tiến hành thanh tra 12.990 dự án, kiểm tra 194 dự án, với tổng vốn được “kiểm” lên tới 502.202,9 tỷ đồng.
Ngoài quản lý, hiệu quả sử dụng vốn, các đoàn thanh tra còn tập trung “soi” việc chấp hành các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 1792/CT - TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; hai chỉ thị số 27CT - TTg ngày 10/10/2012 và số 14/CT - TTg ngày 28/6/2013 đều cùng nội dung khắc phục, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Được biết, những chỉ thị này đã góp phần lập lại kỷ cương trong công tác quản lý vốn đầu tư từng bị thả lỏng trong thời gian khá dài, dẫn tới hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều sai sót, vi phạm lớn vốn tồn tại dai dẳng ở hầu hết các khâu trong chu trình quản lý vốn đầu tư mà không được xử lý dứt điểm. Điều đáng nói là, ngay tại các bộ, ngành trung ương, việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa thực sự nghiêm túc.
Trong số các thiếu sót, vi phạm tại các dự án do các bộ, ngành làm chủ đầu tư, nổi cộm nhất chính là việc quản lý chi phí đầu tư không hiệu quả, dẫn tới đội vốn, kéo dài thời gian thi công. Số liệu tổng hợp do chính các bộ, ngành gửi lên Thanh tra Chính phủ cho thấy, giá trị của dự án phải bổ sung tăng so với quyết định phê duyệt ban đầu là 21.316 tỷ đồng; bổ sung giá trị các hạng mục còn thiếu trong thiết kế là 11.533 tỷ đồng; trượt giá do thời gian thực hiện kéo dài làm tăng chi phí vật liệu là 27.887 tỷ đồng.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội vốn là do công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình”, Thanh tra Chính phủ bắt lỗi.
Nếu nguyên nhân trên có thể ít nhiều châm chước được, thì việc Thanh tra Chính phủ phát hiện một số chủ đầu tư khi lập dự án không xác định chính xác được quy mô, công năng sử dụng quả là đáng báo động. Đây là lý do khiến trong bước triển khai thực hiện, chủ dự án buộc phải phê duyệt lại quy mô đầu tư, điều chỉnh thiết kế, thậm chí phải thay đổi toàn bộ thiết kế (có dự án không sử dụng một chút nào thiết kế ban đầu có chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng).
Cụ thể, Dự án kênh Chợ Gạo do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư đã phải tính lại tổng mức đầu tư, thiết kế lại. Tổng chi phí để lập thiết kế, dự toán tại dự án này là 65 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho đơn vị tư vấn 55,7 tỷ đồng nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đáng kể.
Tại Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, công tác lập dự án ban đầu không tốt, nên đã phải “nới đai” tổng mức tới 4 lần.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế chưa tốt, để lọt nhà thầu xây lắp năng lực kém, bàn giao mặt bằng chậm…. cũng đã làm kéo dài thời gian thi công, đội chi phí. Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, các bộ, ngành có tới 165 dự án chậm tiến độ, trong đó có dự án nhóm C kéo dài tới 10 năm (quy định hoàn thành 3 năm), nhóm B kéo dài tới 15 năm (quy định hoàn thành 5 năm). Với tiến độ thi công như vậy, thì hạng mục cuối cùng được hoàn thành cũng là lúc hạng mục đầu tiên của dự án đã bắt đầu hư hỏng, lạc hậu, phải bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp.
Việc cân đối bố trí vốn không chính xác cũng góp thêm lý do làm giảm hiệu quả đầu tư. Tại Bộ Công thương, 8 dự án trường học sử dụng vốn ngân sách do các đơn vị thuộc Bộ này làm chủ đầu tư thi công dang dở nhiều năm nay, không thể sử dụng chỉ vì thiếu… 80 tỷ đồng vốn đối ứng.
Đối với dự án do 15 bộ, ngành làm chủ đầu tư, tổng số tiền kiến nghị xử lý sau thanh tra là 4.763 tỷ đồng, trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước 1.122 tỷ đồng, giảm trừ khi thanh quyết toán 1.425 tỷ đồng, xử lý khác 2.216 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, đây vẫn chưa phải là con số phản ánh chính xác bức tranh quản lý, sử dụng vốn hiện nay, bởi phần lớn kết quả thanh tra đều do các bộ, ngành tự tiến hành mà không có sự kiểm tra chéo, hay vào cuộc trực tiếp của Thanh tra Chính phủ.
“Một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố chỉ thanh tra các dự án có tổng mức đầu tư nhỏ do cấp sở, huyện phê duyệt, mà chưa tập trung thanh tra các dự án có tổng mức đầu tư lớn, mức điều chỉnh lớn do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt như hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ”, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận về hạn chế lớn nhất của đợt thanh tra này.