Một đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu.
Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại công văn số 8220/VPCP – CN vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình về việc mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn NSNN.
Về chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức PPP và giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện Dự án theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25/1/2021 của Văn phòng Chính phủ; thống nhất với GTVT và UBND Tp Hà Nội về các nội dung liên quan theo đúng quy định của pháp luật của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Về đề nghị giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (Dự án giai đoạn I), Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện để chuyển giao thẩm quyền đối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Hòa Bình; thủ tục, trình tự chuyển giao thẩm quyền quản lý và ký kết hợp đồng với Nhà đầu tư.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng sẽ phải thỏa thuận thống nhất giữa Bộ GTVT và Nhà đầu tư Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu về việc chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ký hợp đồng với Nhà đầu tư.
Liên quan đến cơ chế mua lại Dự án BOT hiện hữu, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư và các bên có liên quan, trong đó các tổ chức tín dụng liên quan; căn cứ các quy định tại hợp đồng Dự án giai đoạn I và quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, có cơ chế xử lý Hợp đồng BOT đang thực hiện, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả đầu tư và hài hoà lợi ích các bên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Được biết, tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25/1/2021, đối với việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và giao cho tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện đầu tư theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và giao UBND tỉnh Hòa Bình là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ GTVT rà soát, thống nhất về nhu cầu đầu tư, quy mô đầu tư và phương án đầu tư, phương án tài chính chặt chẽ, phù hợp, đảm bảo tính khả thi và không xung đột với dự án giai đoạn I đã được đầu tư theo hình thức PPP do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”, Thông báo số 18 nêu rõ.
Trước đó, vào đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Tờ trình số 163/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Tại tờ trình này, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng giao cho tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình nhằm tạo điều kiện tỉnh Hòa Bình có căn cứ mua lại Dự án để tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có dài toàn tuyến khoảng 23,4km, trong đó đoạn đi qua địa phận thành phố Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km.
Dự án sẽ mở rộng tuyến đường hiện hữu từ 2 làn xe với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m.
Tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay là 392,248 tỷ đồng); phần vốn thực hiện của nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP là 3.888, 148 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay); phần vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước là 3.888.148 tỷ đồng.
Thời gian thu hồi vốn của Dự án dự kiến khoảng 24 năm, thời gian thực hiện đầu tư xây dựng là từ năm 2022 - 2027.