Chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
Bộ GTVT được yêu cầu làm rõ một số nội dung trong Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó có việc đánh giá hiệu quả giữa các tốc độ thiết kế, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 246/TB – VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được tổ chức hôm 22/5.

Tại Thông báo số 246, Phó Thủ tướng đánh giá Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tầm quan trọng hết sức đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua giảm chi phí logistics, tăng cường sức cạnh tranh, tăng hiệu quả nền kinh tế, tạo tác động lan tỏa đến phát triển đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy phát triển du lịch…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao Bộ GTVT đã khẩn trương, nghiêm túc, cầu thị tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, đồng thời đã tiến hành khảo sát thực tế kinh nghiệm quốc tế để xây dựng, hoàn thiện Đề án một cách công phu, kỹ lưỡng, bám sát Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội, cơ bản đáp ứng được yêu cầu để trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Để Đề án tiếp tục được hoàn thiện bảo đảm chất lượng, khả thi, có cơ sở thực tiễn và khoa học, tạo sự đồng thuận cao khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng các nội dung được các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, dư luận xã hội quan tâm và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc họp, Cụ thể, về việc lựa chọn tốc độ thiết kế, Phó Thủ tướng lưu ý cần phân tích, đánh giá, làm rõ thêm về lợi thế so sánh giữa đường sắt tốc độ cao với các phương thức vận tải khác như: hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt hiện tại, hàng hải, đường thủy nội địa…

Tập trung đánh giá hiệu quả kinh tế giữa các tốc độ thiết kế (250km/h vừa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; 350m/h vận tải hành khách; 350km/h vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu) trong đó có tính đến phương án tổ chức chạy tàu, việc bố trí khoảng cách giữa các ga, việc sử dụng phương tiện (đầu máy, toa xe), chính sách giá vé.

Về nguồn vốn và phân kỳ đầu tư, Bộ GTVT cần bổ sung làm rõ tính hiệu quả của phương án đầu tư toàn tuyến so với đầu tư từng đoạn như Kết luận số 49- KL/TW; việc phân kỳ đầu tư theo từng năm, tính khả thi, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn (vốn đầu tư công, vốn vay ODA, bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực đất đai thông qua khai thác quỹ đất phát triển đô thị mô hình TOD…), ảnh hưởng đến nợ công và kinh tế vĩ mô từng năm; phương án phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp đường sắt; phương án kinh doanh, khai thác và hoàn trả vốn đầu tư phương tiện của doanh nghiệp...

Về lựa chọn bố trí các ga và phương án kết nối đường sắt vào trung tâm TP. Hà Nội, TP.HCM, Bộ GTVT làm rõ vai trò, yêu cầu kỹ thuật, sự phù hợp với quy hoạch liên quan, ý kiến của các địa phương và tính khả thi của việc bố trí ga đầu mối (ga của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam) tại TP.HCM và TP.HCM bảo đảm đủ điều kiện để phát triển thành ga depot hiện đại, đáp ứng yêu cầu về quy mô, diện tích và nghiên cứu dùng chung ga depot cho các tuyến đường sắt đô thị.

Bộ GTVT tiếp tục làm việc với TP. Hà Nội và TP.HCM trong quá trình hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó cần bảo đảm tích hợp các tuyến đường sắt đô thị, phương án vận chuyển hành khách vào khu vực lõi trung tâm, phục vụ hiệu quả, an toàn, thuận tiện nhất cho người dân và phát triển của 2 thành phố.

Đối với các ga đường sắt hiện hữu khu vực trung tâm TP. Hà Nội và TP.HCM phải được quy hoạch để phát triển giao thông đường sắt đô thị, giữ gìn giữ, bảo tồn công trình kiến trúc, không điều chỉnh, chuyển đổi công năng khác.

Đối với các ga khác, Bộ GTVT tiếp tục bổ sung, phân tích và giải trình rõ hơn luận cứ, tiêu chí xác định vị trí các ga (phù hợp đối với biểu đồ chạy tàu, các mức tốc độ và loại phương tiện); trong đó lưu ý làm rõ mối liên hệ giữa vị trí các ga với phương án quy hoạch phát triển đô thị mô hình TOD và cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng, khai thác quỹ đất của các địa phương có ga đường sắt.

“Giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ, trình Thường trực Chính phủ trước ngày 31/5//2024; giao Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ để cho ý kiến về nội dung Đề án làm cơ sở triển khai bước tiếp theo”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tin bài liên quan