Chỉ còn Xuân Thành trong vụ tranh chấp vận chuyển

Chỉ còn Xuân Thành trong vụ tranh chấp vận chuyển

(ĐTCK) Trong 2 doanh nghiệp bảo hiểm, nhận bảo hiểm cho cả 2 bên trong vụ tranh chấp. Dường như một doanh nghiệp đã thoái khỏi những nghĩa vụ.

Chỉ còn Xuân Thành trong vụ tranh chấp vận chuyển ảnh 1

Be mạn trái tàu Hợp Thành 16 có nhiều chỗ đã han gỉ

Liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển giữa CTCP Dịch vụ thương mại và du lịch Trung ương (Công ty Thương mại) và Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Nguyên mà ĐTCK đã phản ánh trên số báo 148 (ra ngày 11/12), ngày 17/12 tới đây, TAND TP. Đà Nẵng sẽ mở phiên tòa phúc thẩm.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Văn Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Thương mại cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) chưa khách quan và chưa áp dụng đúng các quy định pháp luật. Cụ thể, bản án sơ thẩm nhận định thời tiết gió cấp 4 chuyển sang cấp 5 là sự cố bất khả kháng là không phù hợp.

Theo ông Trường, Điều 161 Bộ luật Dân sự quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Trong trường hợp tàu Hợp Thành 16, sự kiện mưa to, gió mùa Đông Bắc cấp 5 - 6 đúng là một những trong những yếu tố khách quan, nhưng không phải sự kiện bất khả kháng vì không phải không dự liệu trước được.

Trước đó, tàu Hợp Thành 16 khởi hành và hành thủy trong điều kiện được thông báo trước về tình hình thời tiết về việc có mưa, gió mùa Đông Bắc cấp 5 - 6 xảy ra. Căn cứ nhật ký hành trình, cấp gió mà tàu ghi nhận là gió cấp 5, phù hợp và nhỏ hơn so với dự báo. Với cấp gió như vậy, theo tập quán hàng hải, được coi là cấp bình thường, tàu vẫn khởi hành, không lánh, trú ẩn.

“Chứng nhận đăng kiểm cho thấy, tàu Hợp Thành 16 được phân loại tàu hạn chế cấp 2. Theo thông lệ hàng hải thì với tàu hạn chế cấp 2, gió cấp 5 không thể là sự kiện bất khả kháng”, ông Trường nói.

Công ty Thương mại cũng cho rằng, thiệt hại có một phần lỗi của thuyền trưởng, vì đã không xem xét, đánh giá đầy đủ nguy hiểm mà tàu gặp phải, không áp dụng thích hợp các biện pháp để ngăn chặn và giảm tổn thất.

Bởi sau khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng vẫn tiếp tục cho tàu chạỵ theo hướng và tốc độ như trước khi xảy ra sự cố, không tính đến sóng tác động trực diện vào quầy hầm hàng.

Kết quả là nước biển chui qua mép dưới của bạt ở khu vực lỏng lẻo nhất: góc quầy hầm số 1 phía mũi mạn trái (khu vực có bạt phủ luôn gấp đôi chỗ khác, nên việc gập bạt khó hơn, khó làm chặt hơn). Ngoài ra, phía đầu mũi là đoạn không có giá đỡ nêm chèn bạt (đã được nhà giám định kết luận bị mất trước đó rất lâu).

Theo tìm hiểu của ĐTCK, sau khi có kết luận giám định của CTCP Hàng hải HDT cho thấy tổn thất không phải do bão trực tiếp gây ra, tức là thuộc phạm vi ngoại trừ bảo hiểm, Bảo hiểm Hàng không đã có thư từ chối bồi thường.

Về phía Bảo hiểm Xuân Thành, tại phiên sơ thẩm, đại diện Bảo hiểm Xuân Thành cho biết, Công ty Hợp Thành (đơn vị cho Công ty Vũ Gia Nguyên thuê tàu) mua bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu Hợp Thành 16.

Dù cho rằng sự cố không thuộc trách nhiệm chủ tàu nên nhà bảo hiểm được miễn trách nhiệm, nhưng Bảo hiểm Xuân Thành cũng khẳng định, nếu Tòa án có phán quyết buộc chủ tàu bồi thường, Bảo hiểm Xuân Thành sẽ có trách nhiệm chi trả số tiền thiệt hại nếu Công ty Hợp Thành đồng ý.

Đáng chú ý, theo tin tức ĐTCK mới nhận được vào ngày 12/12, thì tàu Hợp Thành 16 đã chở quá tải trọng cho phép. Cụ thể, ngoài lượng xi măng của Công ty Thương mại, 20 tấn nhiên liệu, 2 tấn nước dằn và 7 tấn nước ngọt, tàu Hợp Thành 16 còn chịu thêm tải trọng của 50 tấn hàng hóa là xi măng nhận chở thêm bên ngoài.

Phía Công ty Thương mại cho biết đang giữ nhiều văn bản thể hiện Công ty Hợp Thành đồng ý cho tàu Hợp Thành 16 chở tăng tải trọng như biên bản đại diện tàu Hợp Thành 16 nhận hàng với Nhà máy Xi măng Hạ Long, Hóa đơn tăng tải số 0001391 ngày 18/2/2013 (số lượng 50 tấn)… và sẽ đệ trình các chứng cứ này lên TAND TP. Đà Nẵng, để yêu cầu Tòa án buộc Công ty Hợp Thành phải bồi thường thiệt hại do đã vi phạm các quy định về hàng hải. 

>>2 DN bảo hiểm bị "lôi" vào tranh chấp song phương