Nhiều ý kiến cho rằng cách tính giá điện hiện nay chưa hợp lý (Ảnh minh hoạ)

Nhiều ý kiến cho rằng cách tính giá điện hiện nay chưa hợp lý (Ảnh minh hoạ)

"Chỉ có cải cách giá điện mới thu hút được vốn đầu tư vào ngành này"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, cách tính giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chưa hợp lý nên mặc dù giá thấp, nhưng mỗi lần tăng giá điện, người dân vẫn không thoải mái; giá điện thấp cũng không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào ngành này.

Sáng 4/7, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2023".

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế tính giá điện ở Việt Nam hiện nay chưa hợp lý.

Trong năm 2020 và 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện đối với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các cơ sở cách ly y tế, cơ sở điều trị Covid-19.

Mặc dù tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt lên tới 16.950 tỷ đồng (theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), nhưng nhìn chung các năm 2020-2021, EVN vẫn hoạt động ổn định và có lợi nhuận.

Năm 2022, do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN lỗ 26.462,68 tỷ đồng.

PGS.TS Ngô Trí Long trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo sáng 4/7 (Ảnh: M.Minh)

PGS.TS Ngô Trí Long trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo sáng 4/7 (Ảnh: M.Minh)

Ông Long nói rằng, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay gần bằng 50% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực.

"Tuy nhiên, cứ mỗi lần tăng giá điện là người dân lại cảm thấy không thoải mái, đó là vì cơ chế tính giá điện hiện nay chưa hợp lý", vị chuyên gia nói.

Cụ thể là, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.

Bởi vì, khi giá điện thấp nằm ở khu vực sản xuất (vốn được thiết kế để tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hóa và thu hút đầu tư với nhân công rẻ và giá điện rẻ, từ đó đóng góp vào GDP, đây là nhiệm vụ chính trị của EVN) sẽ dẫn tới việc sử dụng lãng phí, không tiết kiệm, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ cũ tốn điện.

"Giá điện thấp sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư vào thị trường này bởi các nhà đầu tư bao giờ cũng phụ thuộc vào lãi/lỗ để đầu tư", ông Long nhấn mạnh.

Chuyên gia Ngô Trí Long nói thêm, giá điện quá cao người dân sẽ khó khăn trong chi trả, nhưng giá bán điện buộc phải bù đắp được chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, thông thường trên thế giới bao giờ cũng phải có giải pháp hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người tiêu dùng. Ví dụ hộ nghèo sẽ được nhà nước trợ giá, điều này diễn ra ngay cả các nước phát triển.

Nêu kiến nghị, vị chuyên gia nói rằng, giá điện buộc phải tăng khi chi phí đầu vào tăng do khách quan, nhưng vẫn phải có sự điều tiết từ Nhà nước để tránh việc giá tăng cao quá sẽ dẫn tới cú sốc đối với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Quy hoạch Điện VIII dù đã thỏa mãn được yêu cầu của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Nếu không việc thiếu điện sẽ là hiện hữu. Giá điện vẫn là điểm nghẽn, giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện”, ông Long phát biểu.

Ngoài ra ông khuyến nghị thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tái tạo, bởi phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Nhà nước cần nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm giá bán điện hai thành phần; Có cơ chế ưu đãi, giảm giá để khuyến khích các khách hàng sử dụng giá điện hai thành phần; Tuyên truyền ưu điểm, lợi ích của giá bán điện hai thành phần. Bởi đây là hình thức giá công bằng, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và cả phía cung cấp điện, góp phần sử dụng điện hiệu quả.

Bên cạnh đó, chuyên gia đề nghị cần xem xét tách bạch hoạt động công ích của EVN với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với hoạt động công ích (nhiệm vụ chính trị của EVN), ông Long đề xuất xây dựng quỹ bình ổn giá điện để hỗ trợ cho việc cấp điện tại các địa bàn công ích (các xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo) để làm minh bạch hơn thị trường điện, giảm áp lực tăng giá điện.

Bộ Công thương xem xét sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg và Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân để bổ sung giá bán điện tại các địa bàn công ích làm cơ sở để đấu thầu hoặc giao kế hoạch cung cấp dịch vụ công hoạt động cung cấp điện cho địa bàn công ích.

Tin bài liên quan