Chỉ có 20% doanh nghiệp cá tra ổn định được xuất khẩu

Chỉ có 20% doanh nghiệp cá tra ổn định được xuất khẩu

(ĐTCK) Chi phí tăng cao, lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước là tình trạng phổ biến của các DN thủy sản trong quý I/2013. Những thách thức từ năm 2012 vẫn hiện hữu.

Chi phí tăng cao

Trong số các DN thủy sản niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I/2013, ngoại trừ Thủy sản An Giang (AGF), Thủy sản số 4 (TS4) có lợi nhuận tăng nhẹ, các công ty còn lại đều kinh doanh suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong quý I/2013, Thủy sản Mê Kông (AAM) chỉ đạt 1,22 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 83%; lợi nhuận của Nam Việt (ANV) giảm 37%, lợi nhuận của Thủy sản Bến Tre (ABT) chỉ bằng một nửa quý I/2012. Một số DN như Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) còn thua lỗ.

Theo giải trình từ các công ty, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của các DN thủy sản suy giảm, trong đó chi phí bán hàng tăng mạnh là nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể, chi phí bán hàng ở AAM trong quý I/2013 tăng hơn 90%, từ mức 4,5 tỷ đồng quý I/2012 lên 8,87 tỷ đồng quý I năm nay. Tương tự, chi phí bán hàng tại ACL tăng gần gấp đôi.

Đối với ANV, lãnh đạo Công ty cho biết, chi phí trong kỳ tăng vọt đã “ăn mòn” lợi nhuận. Thực tế, ANV đã tìm nhiều cách để doanh thu tăng trưởng, trong đó có giải pháp đẩy mạnh bán hàng ra thị trường nước ngoài. Kết quả, doanh thu thuần của ANV tăng 51%, đạt 489 tỷ đồng, lãi gộp tăng 46%. Tuy nhiên, do giá cước tàu biển tăng cao đã khiến chi phí bán hàng của ANV tăng gấp đôi lên 34 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận Công ty.

Với ABT, ACL…, việc dùng nguồn nguyên liệu tự nuôi để sản xuất đã đẩy chi phí ở các DN này tăng cao. Theo ACL, các chi phí về thức ăn, điện, xăng dầu, thuốc, kiểm dịch… đã tăng 15 - 35% trong thời gian qua. Trong khi đó, giá cá tra ngoài thị trường liên tục giảm, dưới cả giá thành cá nuôi.

 

4 thách thức cũ

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chỉ ra 4 thách thức mà các DN thủy sản phải đối mặt trong quý I/2013. Thứ nhất, nguồn cung nguyên liệu không ổn định trước hội chứng tôm chết sớm, nhiều sản phẩm thiếu tiêu chuẩn cho xuất khẩu, chi phí khai thác cao…

Thứ hai, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính đều giảm. Đơn cử, mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ giảm 6,3%, EU giảm gần 9% và Nhật Bản giảm 7,6%.

Thứ ba là những thách thức từ rào cản kỹ thuật. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn nghiêm ngặt kiểm tra Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu, khiến cánh cửa vào những thị trường chủ lực này của DN thủy sản bị thu hẹp. Đối với thị trường Mỹ, các DN còn bị áp lực bởi kết quả xem xét thuế chống bán phá giá (cá tra) và thuế chống trợ cấp (tôm).

Thứ tư, do thiếu vốn, đơn đặt hàng thấp, chi phí sản xuất tăng, thiếu sự hỗ trợ từ chính sách…, nên nhiều doanh ngiệp thủy sản đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Theo VASEP, hiện có xấp xỉ 160 DN xuất khẩu cá tra, nhưng chỉ có khoảng 20% DN duy trì được xuất khẩu ổn định.

 

Loay hoay tìm giải pháp

Những thách thức kể trên không mới. Năm 2012, các DN cũng đã gặp phải những khó khăn tương tự. Điều này cho thấy, môi trường và điều kiện hoạt động của DN thủy sản trong quý I/2013 vẫn chưa “dễ thở” hơn. Thậm chí, với thực trạng giá thủy sản biến động và sản lượng có xu hướng giảm, rào cản kỹ thuật từ nước nhập khẩu chưa được tháo gỡ…, một số DN lo ngại, sự “ốm yếu” sẽ còn nặng nề.

Dù định hướng kinh doanh năm 2013 của các DN thủy sản cho thấy sự dè dặt và thận trọng, nhưng với kết quả kinh doanh quý I/2013 chỉ đạt trên dưới 10% kế hoạch năm, chặng đường còn lại cho AAM, ACL, AGF, ANV… là rất vất vả.

Theo một lãnh đạo DN thủy sản, những giải pháp gỡ khó như chủ động trong việc ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường, duy trì sản xuất thường xuyên…, trên thực tế không dễ thực hiện. Đơn cử, việc nhập khẩu nguyên liệu và hàng mẫu để gia tăng sản xuất hiện đang gặp nhiều vướng mắc do một số quy định tại Thông tư 06/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mới đây, VASEP đã có công văn kiến nghị Bộ này xem xét bỏ thủ tục đăng ký kiểm dịch đối với hàng mẫu, hàng nhập khẩu theo đường hàng không (phục vụ cho sản xuất xuất khẩu hoặc gia công); xem xét và cho đánh giá lại mức độ cần thiết của việc duy trì kiểm soát chất phóng xạ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản…, để tăng cường năng lực cạnh tranh và giảm thiểu chi phí phát sinh cho DN.