Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Chi 8.283 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

0:00 / 0:00
0:00
Đây là kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng 45,7 km theo quy mô cao tốc 4 làn xe, rộng 60 m thuộc Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa ký Quyết định số 2443 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1: Giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua Bình Dương.

Dự án này có mục tiêu tạo quỹ đất sạch để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, cải thiện năng lực lưu thông và đảm bảo an toàn giao thông trên hành lang vận tải quan trọng này.

Theo Quyết định số 2443, tổng chiều dài tuyến cần giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bình Dương là khoảng 45,7 km với điểm đầu tại Km 0+000 Vành đai 3 TP.HCM thuộc địa phận TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.

Cụ thể, đoạn từ Km0+000 Vành đai 3 đến Km6+500 cầu Khánh Vân sẽ giữ nguyên hiện trạng, chỉ nghiên cứu các giải pháp tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng.

Đoạn từ Km6+500 cầu Khánh Vân đến cuối tuyến thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô quy hoạch rộng 60 m để đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp liên tục). Riêng các đoạn thuộc đường cong, các vị trí đào sâu, đắp cao, các vị trí nút giao, các mương thoát nước, giao lộ vuốt nối với các tuyến đường hiện hữu,... thực hiện theo hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Diện tích đất chiếm dụng thuộc Dự án là khoảng 381,6 ha với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 1.394 hộ gia đình, cá nhân và 17 tổ chức; có 194 trường hợp có nhu cầu tái định cư.

Cụ thể, tại TP Tân Uyên có 850 hộ gia đình, cá nhân và 7 tổ chức (93 trường hợp cần tái định cư); huyện Bắc Tân Uyên có 213 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức (32 trường hợp cần tái định cư); huyện Phú Giáo có 330 hộ gia đình, cá nhân và 7 tổ chức (69 trường hợp cần tái định cư); huyện Bàu Bàng có 1 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức (không có trường hợp cần tái định cư).

Với quy mô giải phóng mặt bằng như trên, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.283,276 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời, hỗ trợ công trình kỹ thuật là 8.149,79 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2024 đến năm 2027 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương.

UBND tỉnh Bình Dương giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Tân Uyên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bàu Bàng và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bắc Tân Uyên tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến: đoạn tuyến nối cao tốc có điểm đầu (Km0+00 tại nút giao Gò Dưa (Vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM) và đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu (Km8+600, tại nút giao An Phú (Vành đai 3 TP.HCM), điểm cuối (Km68 +700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (TP. HCM) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m; đoạn còn lại sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.

Tin bài liên quan