Chỉ 36% doanh nghiệp gia đình Việt Nam có kế hoạch kế thừa chính thức và minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
Thế hệ kế nghiệp được kỳ vọng trở thành cổ đông chính trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam 5 năm tới nhưng chỉ 36% doanh nghiệp có kế hoạch kế thừa một cách chính thức và minh bạch.

Đây kết quả Khảo sát doanh nghiệp gia đình toàn cầu lần thứ 10 do PwC thực hiện và vừa công bố.

Doanh nghiệp gia đình được coi là xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp tới 25% vào GDP của quốc gia (theo VCCI).

Cổ đông lớn của doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện tại và trong 5 năm tới.

Cổ đông lớn của doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện tại và trong 5 năm tới.

58% doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam có thành viên trong gia đình thuộc thế hệ kế nghiệp làm việc trong doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam tương đối “trẻ” với gần 2/3 doanh nghiệp có thế hệ đầu tiên là cổ đông lớn, so với con số 43% tại châu Á - Thái Bình Dương và 32% trên toàn cầu.

Trong 05 năm tới, sẽ có sự thay đổi lớn về thế hệ, với 52% công ty cho biết họ sẽ có thế hệ thứ 2 và khoảng 20% sẽ có thế hệ thứ 3 hoặc thứ 4 là cổ đông lớn.

Sự chuyển dịch thế hệ vốn đã được dự báo trước này rất phù hợp với các ưu tiên kinh doanh cũng như lĩnh vực mà thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam tin rằng họ có thể đóng góp nhiều nhất.

Theo báo cáo năm 2019 của PwC Việt Nam về các thế hệ kế nghiệp thì có 60% thế hệ kế nghiệp tin rằng họ có thể làm tăng đáng kể giá trị cho việc chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa hoạt động quản lý; 57% nói rằng họ có thể mang lại giá trị bằng cách đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp gia đình,...

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao hiệu quả cần các thể chế rõ ràng từ nội bộ gia đình tương tác giữa các thành viên trong gia đình là một vấn đề nhạy cảm và các chủ đề như kế hoạch kế nghiệp có thể khá cảm tính.

Kế hoạch kế nghiệp vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm.

Thế nên, chỉ có 36% doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cho biết rằng, họ có kế hoạch kế nghiệp công minh, được lập thành văn bản và công bố rõ ràng; chỉ 6% có di ngôn/di chúc hoặc thủ tục khẩn cấp/ kế hoạch dự phòng.

Ngoài ra, các kế hoạch này chưa được chuyển thành các chính sách quản trị công ty.

Kế hoạch tiếp quản và kế nghiệp đóng vai trò rất quan trọng để giúp doanh nghiệp đạt được một khối tài sản có giá trị lâu dài cũng như bao quát những vấn đề như xác định thời điểm các thành viên gia đình có thể làm việc trong doanh nghiệp, cách phân chia lợi nhuận, những người phục vụ trong hội đồng quản trị và cách lập kế hoạch cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Theo các nhà phân tích của PwC, việc không có kế hoạch rõ ràng có thể trở thành rủi ro cho các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam và các mối quan hệ trong gia đình có thành viên trong gia đình thuộc thế hệ kế nghiệp làm việc trong doanh nghiệp.

Tổn thất với các cổ đông trong doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam so với châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu.

Tổn thất với các cổ đông trong doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam so với châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu.

Các doanh nghiệp gia đình được cho là động cơ tăng trưởng và phục hồi trong thời kỳ có nhiều thách thức sắp tới.

Báo cáo lần này của PwC vừa đưa ra kỳ vọng về khả năng phục hồi, tín nhiệm doanh nghiệp và sự lạc quan về tương lai của các doanh nghiệp này nhưng cũng tiết lộ những thách thức mới cần phải giải quyết và vượt qua, đặc biệt liên quan đến năng lực số và khả năng thích ứng.

Một số điểm chính có thể nhắc đến như sự chuyển hướng sang cơ cấu quản lý bởi nhân lực thuê ngoài nhiều hơn.

Cụ thể, trong 5 năm tới, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam có sự chuyển hướng sang đa ngành, với sự tham gia quản lý của nhân lực thuê ngoài và thế hệ kế nghiệp nhiều hơn.

52% doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam chia sẻ rằng thế hệ thứ hai sẽ trở thành cổ đông lớn. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn về chuyển giao thế hệ trong giai đoạn tới.

Covid-19 đã làm rõ các lợi ích của chuyển đổi số. Để đạt được các ưu tiên này, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam phải lưu tâm và lập kế hoạch để tiếp cận ba lĩnh vực chính bao gồm tinh thần chịu thay đổi thích ứng, đội ngũ lãnh đạo, năng lực số.

Ngoài ra, mặc dù các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam coi kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ là ưu tiên thứ hai trong hai năm tới nhưng chỉ có 30% doanh nghiệp tin rằng họ có năng lực số cao.

Trong số này chỉ có 9% doanh nghiệp hoàn toàn tự tin vào năng lực số của mình và không cần tiếp tục tập trung phát triển.

Thêm vào đó, một điểm đáng mừng là trong năm năm tới, các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đều hướng tới mục tiêu đa dạng hóa và có thể thấy rằng với các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, đa dạng hóa là một trong những chìa khóa để thành công trong tương lai.

Điều này cũng đúng với xu thế toàn cầu cùng số liệu tương tự của các doanh nghiệp gia đình tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Ngoài ra, kết quả cũng chỉ ra xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam quan tâm trở thành công ty đầu tư gia đình.

Với khối tài sản ngày càng tăng ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, không có gì ngạc nhiên khi các gia đình châu Á đang lên kế hoạch trước và bắt đầu thể chế hóa việc quản lý tài sản gia đình.

Chủ đề thành lập công ty đầu tư gia đình giờ đây không chỉ còn là chuyện phiếm trong gia đình mà trở thành chủ động lập kế hoạch và thực hiện.

Tin bài liên quan