Theo ADB, hiện chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới xuất khẩu

Theo ADB, hiện chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới xuất khẩu

Chỉ 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

(ĐTCK) Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2015, trong đó có Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố ngày hôm qua đã chỉ rõ, chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tỷ trọng đóng góp của khối này vào xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
 

Một vấn đề được đề cập nhiều tại buổi họp báo công bố báo cáo là thách thức của Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay. Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế ADB cho rằng: “Các DNVVN của Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu năng lực tham gia vào chuỗi cung cấp cho các nhà máy nước ngoài đầu tư”.

Báo cáo của ADB đã chỉ ra, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới xuất khẩu, so với tỷ lệ gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% DNVVN của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tỷ trọng đóng góp của khối này vào xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

“Sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai phụ thuộc nhiều vào việc đưa các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, để các doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn vốn và công nghệ từ nước ngoài, tiếp cận với thị trường thế giới và tạo tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế”, ông Dominic Mellor nói.

ADB nhận định, mặc dù Chính phủ vẫn đang hỗ trợ phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phát triển DNVVN, song do thiếu sự phối hợp liên ngành nên chính sách còn manh mún và việc thực hiện còn yếu kém. Đề xuất về một dự án luật mới cho DNVVN sẽ là một cơ hội để giải quyết các vướng mắc, yếu kém này.

“Tăng cường tham vấn với khu vực tư nhân sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn cho Chính phủ về những hạn chế đang ngăn cản sự kết nối với các mạng lưới sản xuất. Khu vực tư nhân cần tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến thiết kế cho sự phát triển của khu vực này”, ông Dominic Mellor nói. 

Tại cuộc họp báo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, tham nhũng gây ra những tổn hại rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam trên hai vấn đề: Thứ nhất, tham nhũng đặc biệt trong các dự án đầu tư công sẽ làm giảm hiệu quả của đầu tư công, trong khi Việt Nam đang cần những khoản đầu tư rất lớn.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng, những lợi ích của tăng trưởng sẽ được chia sẻ đồng đều cho mọi người dân và nạn tham nhũng sẽ làm người người dân hiểu rằng, sự phân phối kết quả tăng trưởng là không công bằng.

“Việt Nam cần thận trọng trong quản lý ngân sách, tài khóa cũng như nợ công. Chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công là điều vô cùng quan trọng để có thể cải thiện hiệu quả những dự án đầu tư công ở Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững sẽ không thể đạt được nếu như Chính phủ Việt Nam không thực sự chống được tham nhũng”, ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rủi ro về nợ công khi thâm hụt ngân sách dự báo sẽ mở rộng hơn cũng được ADB cảnh báo. Cụ thể, việc giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế cho DN ưu tiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết nhập khẩu và giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến nguồn thu của Việt Nam. Trong khi đó, chi đầu tư dự báo tăng gần 20% sau hai năm giảm, chi thường xuyên cũng dự kiến sẽ tăng 10%, chi cho y tế tăng và giáo dục tăng 11% và 5%.

“Nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, Chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP. Do vậy, Chính phủ nên điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư”, ông Dominic Mellor nhận định.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong hai năm tới lần lượt đạt 6,1% và 6,2%. Lạm phát năm 2015 dự kiến ở mức 2,5% và đạt 4% trong năm tới. Với tình hình lạm phát thấp như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Tomoyuki Kimura cho rằng: “Việt Nam vẫn cần giải quyết một loạt vấn đề mang tính cơ cấu như cần đạt tiến độ nhanh hơn trong quá trình cải cách ngân hàng, xử lý nợ xấu, thực hiện luật mới thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa DN”.

Tin bài liên quan