Mô hình “nông trại” tiền tỉ lên ngôi
Là vùng đồi cao hẻo lánh, thế nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá đất tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai liên tục tăng khi trở thành địa điểm xây dựng hàng loạt farmstay. Trong nhiều khuôn viên rộng từ vài trăm tới hàng nghìn mét vuông, nhiều chủ đầu tư còn thiết kế farmstay kết hợp với các mô hình lưu trú qua đêm bungalow (nhà có diện tích nhỏ gọn), villa… với chi phí lên tới hàng tỷ đồng.
Anh Tuấn Lưu, chủ một farmstay tại đây cho biết, tổng chi phí xây dựng dự án vào khoảng 3,5 tỷ đồng, bao gồm 2 tỷ đồng mua đất làm farmstay vào đầu năm 2021, còn lại là chi phí thiết kế, xây dựng…
“Hiện tại, farmstay có khả năng đón tối đa 20 khách và sắp tới, tôi dự kiến đầu tư thêm 1-1,5 tỷ đồng để nâng công suất phòng lên khoảng 35 khách, đồng thời bổ sung loại hình nhà nghỉ phục vụ cho khách thích trải nghiệm ngủ ngoài trời”, chủ đầu tư farmstay này thông tin thêm.
Còn anh Đức Hiệp - giám đốc một hãng du lịch lữ hành cho hay, anh cùng một vài người vừa mua lại một khu đồi diện tích 2 ha tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với giá hơn 3 tỷ đồng để phát triển một khu dịch vụ nghỉ dưỡng theo mô hình farmstay với nhiều tiện ích như ăn uống, vui chơi, trải nghiệm du lịch cộng đồng người dân tộc… với giá thuê từ 1,6-1,8 triệu đồng/phòng đôi trong 2 ngày - 1 đêm hoặc từ 2,4-2,6 triệu đồng/phòng đôi trong 3 ngày - 2 đêm.
“Với lợi thế làm trong lĩnh vực du lịch - lữ hành, việc đầu tư vào farmstay sẽ giúp chúng tôi mở rộng các gói dịch vụ tới khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng ưa thích trải nghiệm”, vị giám đốc trẻ này nói.
Xu hướng nhiều người cùng góp vốn đầu tư xây dựng farmstay cộng đồng, lập làng nghỉ dưỡng diện tích lớn, thay vì đơn thuần là cá nhân xây dựng tự phát, đang ngày càng rõ nét thời gian gần đây. Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trên mạng xã hội, không ít diễn đàn với sự tham gia của hàng chục nghìn người được lập ra để chia sẻ cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào farmstay.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mô hình kết hợp kinh tế trang trại với khai thác bất động sản du lịch này còn hấp dẫn nhiều tổ chức kinh tế. Chẳng hạn, để cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như nâng cao thu nhập cho xã viên, nhiều hợp tác xã ở Ba Vì, Hà Nội đang xây dựng các tour du lịch kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp với bà con đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Thái… cho các em học sinh miền xuôi, hoặc các bạn trẻ có nhu cầu trải nghiệm ngắn ngày vào cuối tuần, bao gồm các hoạt động ăn, nghỉ và trực tiếp tham gia lao động cùng người dân bản địa trên những thửa ruộng, đồi chè...
Hay tại Quảng Ngãi, vài năm gần đây, cái tên Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (Hợp tác xã Gò Cỏ) đã hiện diện nhiều hơn trong bảng giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước ở các công ty lữ hành với mô hình du lịch cộng đồng, dựa trên “tài sản” chung là một ngôi làng cổ Chăm Pa nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh từ hơn 3.000 năm trước.
Hợp tác xã Gò Cỏ được thành lập vào tháng 4/2019 với 37 thành viên, quy mô hoạt động trong phạm vi một ngôi làng với hình thức tương tự như một khu nghỉ dưỡng farmstay với phong cách đồng quê. Ở đây, thậm chí có cả các lớp trải nghiệm hướng dẫn về du lịch và bảo tồn các loại hình văn hóa khác nhau với đa dạng loại hình lưu trú cho du khách.
Mới nhất, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua Nghị quyết ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, trong đó đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với sản xuất nông nghiệp cùng trải nghiệm văn hóa địa phương. Cụ thể, đối với điểm du lịch cộng đồng, Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình khi bảo đảm điều kiện có bãi đỗ xe, khu lễ tân đón tiếp du khách, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu 2 dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm, chất lượng dịch vụ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 và cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký, thời gian phục vụ khách du lịch liên tục tối thiểu 60 tháng kể từ ngày nhận hỗ trợ.
Với mô hình du lịch homestay (khách lưu trú và trải nghiệm văn hóa sinh hoạt gia đình tại nhà dân), Vĩnh Phúc hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở xây dựng mới có quy mô đáp ứng phục vụ từ 15 khách trở lên, với mô hình farmstay (lưu trú, trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa tại trang trại) là 300 triệu đồng/cơ sở có diện tích tối thiểu 0,5 ha và đáp ứng phục vụ từ 30 khách trở lên.
Cần sớm được định danh
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn dần trở thành xu hướng phổ biến tại các vùng nông thôn trên thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển như Việt Nam. Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn không chỉ đem lại lợi ích cho ngành du lịch, mà còn góp phần tăng giá trị cho vùng đất, đem lại cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, một trong những trở ngại lớn nhất trong việc phát triển những mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn như farmstay, homestay là cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, mà câu chuyện của Hợp tác xã Tân Hợi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là minh chứng.
Bà Lê Thị Huệ - Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Hợi cho biết, hợp tác xã cũng như chính quyền địa phương đang muốn phát triển du lịch kết hợp việc trồng trọt và hái lượm, hướng tới mô hình trải nghiệm giáo dục nông nghiệp cho các em học sinh, làm du lịch sinh thái để du khách trải nghiệm nông sản sạch.
“Tuy nhiên, kế hoạch mới chỉ dừng ở du lịch trải nghiệm, mà chưa thể phát triển theo mô hình farmstay hay homestay vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do vướng pháp lý”, bà Huệ chia sẻ.
Hay tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, địa phương này liên tục có văn bản chỉ đạo xử lý việc có nhiều mô hình làm du lịch tự phát ở nông thôn trên đất nông nghiệp. Mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với thu nhập thuần nông trước đây, nhưng hoạt động này lại đang... trái phép do chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh.
Theo ông Phạm Trọng Hổ, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, không có chuyện chính quyền địa phương “buông lỏng quản lý đất đai”, vướng mắc ở chỗ làm sao thực hiện hài hòa giữa việc quản lý đất đai và chủ trương ưu tiên, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo tinh thần của Nghị quyết HĐND tỉnh cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, chế định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2013 mới chỉ quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm quyền lập, xét duyệt, điều chỉnh; lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng nói chung…, mà chưa có các quy định khu biệt về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất du lịch nông nghiệp.
“Chính vì chưa được định danh, chưa có khái niệm rõ ràng về đất du lịch nông nghiệp nên pháp luật đất đai hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất du lịch nông nghiệp. Vì thế, tới nay, câu hỏi đất du lịch nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp (là loại đất thương mại, dịch vụ) vẫn chưa có đáp án”, ông Tuyến phân tích.
Chuyên gia bất động sản Phạm Thanh Tùng cũng cho hay, hiện nay, khái niệm du lịch nông nghiệp vẫn chưa được làm rõ và thống nhất, nhiều người vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một mảng trong lĩnh vực du lịch, người làm nông nghiệp cũng chưa thực sự nhận thức được vai trò của dịch vụ du lịch đối với sự phát triển bền vững của ngành này.
“Lý do bởi quy mô đầu tư còn hạn chế, manh mún theo kiểu ‘mạnh ai nấy làm’, chưa tạo ra bức tranh du lịch nông nghiệp tổng thể. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nếu có cũng không đảm bảo chất lượng. Đây là các bài toán phải giải quyết và để tạo cơ sở lưu trú tốt cho du lịch nông nghiệp, cần sớm định danh và có cơ chế cởi mở hơn trong các quy định đất đai hiện hành về đất nông nghiệp khi chuyển đổi sang kết hợp khai thác du lịch và đầu tư”, ông Tùng nhấn mạnh.