Theo quan điểm của người viết, chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán cũng là chuyện thường do có những nguyên nhân khách quan (một số thông tư, quy định chế độ kế toán vẫn còn những quan điểm khác nhau về cách hạch toán giữa người làm kế toán và người làm kiểm toán) và nguyên nhân chủ quan (sự hạch toán thận trọng quá mức của doanh nghiệp, điều chỉnh số liệu làm đẹp báo cáo để thu hút NĐT). Một số trường hợp cụ thể như sau:
1) Lợi nhuận tăng sau kiểm toán: Công ty công bố lợi nhuận khi chưa được kiểm toán, NĐT cũng đã đánh giá số liệu và kết quả hoạt động kinh doanh của công ty từ đó phản ánh vào giá cổ phiếu cho phù hợp.
Sau kiểm toán, lợi nhuận lại tăng chứng tỏ kết quả đạt được cao hơn kỳ vọng của NĐT khi xem xét số liệu trước kiểm toán, không có tác động xấu đến giá cổ phiếu, thậm chí giá cổ phiếu còn có xu hướng tăng.
Nguyên nhân chủ yếu trong trường hợp này đến từ các chủ doanh nghiệp thận trọng, họ hạch toán những lợi nhuận khi biết chắc chắn thống nhất quan điểm với kiểm toán viên, còn những lợi nhuận chưa thống nhất thì họ chưa đưa vào, khi kiểm toán cũng có trùng ý kiến với bộ phận kế toán doanh nghiệp, khoản lợi nhuận chưa đưa vào sẽ được hạch toán đầy đủ dẫn đến lợi nhuận tăng.
2) Lợi nhuận giảm sau kiểm toán: Trường hợp này thường mang ý nghĩa tiêu cực do kết quả thực tế của doanh nghiệp đạt được thấp hơn kỳ vọng của NĐT khi xem xét số liệu trước kiểm toán có tác động xấu đến giá cổ phiếu.
Nguyên nhân của trường hợp này có thể do cách áp dụng chế độ kế toán khác nhau giữa bộ phận kế toán doanh nghiệp và công ty kiểm toán, cũng có thể do doanh nghiệp cố tình vi phạm để làm đẹp BCTC.
NĐT cần phải am hiểu hoặc cần có bộ phận tư vấn để nhìn nhận rõ bản chất vấn đề. Không phải khi nào công ty kiểm toán cũng đúng còn doanh nghiệp thì lúc nào cũng sai. Sự chênh lệch số liệu chỉ là quan điểm khác nhau của mỗi bên.
3) Những ý kiến của kiểm toán viên: Loại trừ doanh thu, không công nhận lợi nhuận, điều chỉnh tăng chi phí khấu hao,...là những ví dụ về ý kiến của kiểm toán viên. Đây là những ý kiến rất quan trọng mà NĐT cần lưu ý khi đọc BCTC. Tuy nhiên, như đã nói, ý kiến không quan trọng bằng cơ sở để đưa ra ý kiến, số liệu không quan trọng bằng vì sao có số liệu đó.
Qua những trường hợp kể trên, NĐT không nên quá lo lắng về chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán mà cần tìm hiểu xem tại sao lại có sự chênh lệch đó, hiểu được cơ sở hạch toán, ý kiến của doanh nghiệp và công ty kiểm toán. Tùy những khoản mục cụ thể mà NĐT có thể đánh giá quan điểm của mỗi bên để đưa ra quyết định đầu tư, đưa ra mức giá phù hợp với nhận định.