Chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Anh đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ

Chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Anh đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng cách giữa áp lực giá cả ở Mỹ và Anh có thể sẽ mở rộng đến mức chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1970 khi Anh ngày càng trở thành một ngoại lệ lạm phát trên toàn cầu.

Các số liệu được công bố vào tuần trước đã xác nhận lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đang giảm nhanh, trong đó CPI tháng 6 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 3%. Điều này trái ngược với kỳ vọng của các nhà kinh tế rằng chỉ số CPI tháng 6 của Anh sẽ ở mức trên 8% khi công bố số liệu chính thức vào thứ Tư (19/7).

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự kiến trung bình con số lạm phát tháng 6 của Anh sẽ là 8,2%. Nếu đúng, điều đó có nghĩa là lạm phát ở Anh hiện cao hơn 5,2% so với ở Mỹ và là mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 11/1977, khi nền kinh tế nước này bị bao vây bởi tình trạng kinh tế trì trệ và xung đột chính trị.

Chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Anh mở rộng

Chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Anh mở rộng

Victoria Scholar, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Interactive Investor cho biết: “Lạm phát của Mỹ giảm đã làm sáng tỏ vấn đề lạm phát dai dẳng của Anh”.

Các nhà kinh tế cho rằng, sự kết hợp giữa giá năng lượng cao kiểu châu Âu và tình trạng thiếu lao động kiểu Mỹ đã khiến Anh trở thành nền kinh tế G7 bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát.

Simon MacAdam, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết: “Lạm phát ở Anh cao hơn Mỹ vì nước này chịu cú sốc năng lượng tồi tệ hơn, tình trạng thiếu lao động trầm trọng hơn và lạm phát hàng hóa tăng muộn hơn và sau đó bắt đầu giảm muộn hơn ở Mỹ”.

Lạm phát giá lương thực, một khía cạnh quan trọng khác của việc tăng giá toàn cầu, cũng đã giảm nhanh hơn ở Mỹ và phần lớn châu Âu, một phần do Anh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu và thời tiết hạn chế nguồn cung cấp nông sản.

Trong lịch sử, các lạm phát của Mỹ và Anh có xu hướng theo sát nhau. Tuy nhiên, một khoảng cách đã xuất hiện trong năm qua.

Lạm phát của Mỹ bắt đầu giảm vào mùa thu năm 2022 sau khi đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 6/2022 do chi phí năng lượng giảm và lạm phát lương thực chậm lại, trong khi lạm phát ở Anh tiếp tục tăng trong mùa thu do giá năng lượng tăng ở châu Âu tăng và đẩy nhanh tốc độ tăng giá dịch vụ.

Mặc dù lạm phát của Anh đã giảm kể từ khi đạt mức cao nhất 11,1% vào tháng 10, nhưng vẫn giảm ít đáng kể hơn so với các nơi khác ở châu Âu.

Tại khu vực đồng euro, lạm phát đã đạt mức cao 10,6% vào tháng 10/2022 nhưng lạm phát hiện là 5,5% trong khi mức tăng giá ở Tây Ban Nha thậm chí còn thấp hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tại các thị trường mới nổi, lạm phát cũng đang giảm mạnh do hậu quả của đại dịch Covid và giá cả hàng hóa tăng cao trong giai đoạn đầu của xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến các chỉ số lạm phát. Tại Brazil, áp lực giảm giá đã giảm từ hơn 12% vào tháng 4/2022 xuống chỉ còn 3,2% vào tháng 6.

Tại Trung Quốc, áp lực về giá là không tồn tại khi nước này miễn nhiễm với việc giá sản xuất tăng cao đã góp phần gây ra áp lực lạm phát ở những nơi khác. Trong khi Trung Quốc cũng có các kho dự trữ ngũ cốc đáng kể và tiếp tục mua một lượng lớn năng lượng từ Nga.

Khoảng cách ngày càng lớn giữa Anh và Mỹ xảy ra bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) từ bỏ chính sách lãi suất gần như bằng 0 trước Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Lần đầu tiên Fed tăng lãi suất vào tháng 3/2022, trong khi các đợt tăng lãi suất của BoE bắt đầu vào mùa thu năm 2021. Tuy nhiên, Fed đã hành động nhanh hơn khi bắt đầu thắt chặt chính sách khi tăng lãi suất thêm 5% chỉ trong vòng hơn một năm, trong khi ECB đã không bắt đầu tăng lãi suất cho đến mùa hè năm 2022.

Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown cho biết, tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ làm tăng triển vọng lạm phát vẫn ở mức cao trong một thời gian ở Anh, “đặc biệt là khi chi tiêu của người tiêu dùng tỏ ra kiên cường hơn nhiều so với dự báo”.

Tin bài liên quan