Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng được triển khai
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù lượng khách quốc tế Việt Nam còn thấp so với trước dịch, nhưng hoạt dộng du lịch trong nước cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Theo đó, trong 2 quý đầu năm 2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 20,9%, thu từ kinh doanh dịch vụ lữ hành tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch nội địa. Tại nhiều địa phương du lịch nổi tiếng như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc…, công suất lấp đầy các khách sạn, resort đạt trung bình khoảng 70%.
Nói như ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group, đơn vị phát triển nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam, sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch là cú huých cực kỳ mạnh mẽ, tạo đà cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bứt phá.
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ đầu tháng 7/2022, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng trên cả nước được đẩy mạnh triển khai để đón đầu làn sóng du lịch nghĩ dưỡng sau dịch.
Chẳng hạn, tại khu vực bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình, dự án Regal Ocean Quang Binh hiện đang được Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung đẩy nhanh tiến độ thi công.
Gần kề dự án của Đất Xanh Miền Trung, dự án La Celia City do Tập đoàn Nam Mê Kông làm chủ đầu tư cũng đang tích cực triển khai xây dựng. Dự án quy mô hơn 18 ha, tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, với các loại hình sản phẩm gồm biệt thự, boutique hotel, nhà phố liền kề và căn hộ cao cấp.
Tại khu vực ven biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải do Tập đoàn Vicoland làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 835 tỷ đồng, quy mô 6,9 ha) cũng được đẩy nhanh thi công sau khoảng thời gian tạm ngừng do dịch. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, mức độ hoàn thiện dự án hiện đạt khoảng 80% khối lượng tổng thể.
Tại Quảng Trị, dự án Khu dịch vụ du lịch xã Gio Hải, huyện Gio Linh do Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 4.470 tỷ đồng, quy mô 21,92 ha đang xây dựng các hạng mục nhà phố, biệt thự, khối khách sạn… Mới đây, tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Trị, đại diện Tập đoàn T&T đề xuất lãnh đạo địa phương hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc đối với phần diện tích 1,52 ha chưa được bàn giao mặt bằng để sớm hoàn thiện dự án.
Các chương trình nghệ thuật góp phần thu hút khách du lịch tới khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Dũng Minh |
Đẩy mạnh tái cơ cấu sản phẩm
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, Cục mong muốn được lắng nghe ý kiến cụ thể về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách liên quan tới lĩnh vực địa ốc nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng để có phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, sự chung tay của cơ quan quản lý, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chuyên môn sẽ mang lại những dự án chất lượng, nắm bắt tốt xu hướng trên thị trường..., giúp Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn đến trên bản đồ du lịch quốc tế, cũng như ngành du lịch - nghỉ dưỡng phát triển một cách bền vững.
Thực tế, đại dịch Covid-19 bùng phát một mặt làm gián đoạn hoạt động du lịch, nhưng mặt khác cũng khiến các chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng ý thức hơn trong việc cơ cấu lại các sản phẩm, thay vì tiếp cận theo hướng “sao chép, cắt dán” như trước đây khiến các dự án bị thiếu điểm nhấn, thì hiện nay, nhiều mô hình phức hợp nghỉ dưỡng trên quy mô lớn đang được triển khai, đưa vào hoạt động nhiều phân khu, tiện ích “độc - lạ” để gia tăng sức hút.
Đơn cử, vào đầu tháng 4/2022, Novaland công bố hợp tác với Vietstar Airlines cung cấp dịch vụ vận chuyển trải nghiệm, cấp cứu y tế đường không bằng trực thăng và máy bay phản lực thương gia để phục vụ các du khách, nhà đầu tư đến với chuỗi dự án NovaWorld do tập đoàn này phát triển.
Với động thái trên, Novaland được cho là đang từng bước hiện thực hóa tham vọng đưa NovaWorld Phan Thiet trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch quốc tế khi tích hợp hàng trăm dịch vụ, tiện ích” khủng” như trung tâm thể thao giải trí trong nhà Arena 10.000 chỗ ngồi, sân golf PGA 36 hố, nhà thi đấu tennis ATP 3.500 chỗ ngồi, đường chạy marathon quốc tế hơn 42 km…
Với MerryLand Quy Nhơn của Tập đoàn Hưng Thịnh, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi xu hướng trải nghiệm du lịch tại địa phương này, với quảng trường nhạc nước rộng lớn, hệ thống kênh đào, khách sạn - resort 5 sao, sân golf 18 lỗ, bến du thuyền cùng 2 du thuyền lớn bậc nhất Đông Nam Á… Ngay sau khi công bố dự án, Hưng Thịnh đã ký kết hợp tác với gần 20 thương hiệu toàn cầu trong thiết kế quy hoạch, quản lý, kiến trúc, vận hành…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thùy Dung, Phó tổng giám đốc TLG Holdings - nhà phát triển dự án Health Park Hải Tiến Resort cho hay, trong bối cảnh thị trường khó khăn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nằm trong số ít phân khúc giữ được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự thay đổi khá rõ nét, hướng tới việc xây dựng các sản phẩm mang tính chuẩn mực hơn, gắn với nhu cầu thực tế hơn.
Chẳng hạn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng vọt trong mùa dịch đã dẫn dắt thị trường bất động sản nghỉ dưỡng theo hướng chú trọng hơn vào yếu tố này, nhất là các dự án phát triển theo mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện “wellness” hay “bất động sản detox” - mô hình sản phấm mới hội tụ các yếu tố nghỉ dưỡng như không gian trải nghiệm thư thái, di chuyển thuận tiện, quy hoạch bài bản - đa tiện ích… cùng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chuyên nghiệp. Sự tích hợp mạnh mẽ của các phương pháp điều dưỡng chọn lọc cùng hệ thống thiết bị hiện đại, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia y tế… sẽ tạo nên một kỳ nghỉ khoẻ mạnh dành cho du khách.
“Trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng với tiềm năng phát triển đột phá sẽ trở thành phân khúc quan trọng và chủ chốt của thị trường địa ốc. Theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng đang phải thay đổi để thích ứng hơn với các nhu cầu trong bối cảnh mới. Khi đó, những chủ đầu tư đi trước sẽ có lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và khách hàng”, bà Dung nhấn mạnh.
Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam phân tích: “Với việc Việt Nam mở lại đường bay các quốc tế, ngành du lịch hồi phục mạnh mẽ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng sôi động hơn. Tuy nhiên, không như các phân khúc khác, bất động sản nghỉ dưỡng nhìn chung không tăng giá nhiều trong hơn 2 năm qua. Chẳng hạn, phân khúc đất nền, đất nông nghiệp ở nhiều khu vực đã tăng vài chục phần trăm, trong khi biệt thự nghỉ dưỡng chỉ tăng 4-5%. Đây sẽ là lợi thế để phân khúc này hút mạnh dòng tiền trong thời gian tới”.