Chế tài nhẹ, kiểm toán viên “nhờn luật“

Chế tài nhẹ, kiểm toán viên “nhờn luật“

(ĐTCK) Ðể được hành nghề, kiểm toán viên phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt cả về trình độ chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Nhưng vì tư lợi, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn diễn ra.

Một trong những vụ việc vừa được phanh phui xảy ra tại Công ty TNHH Tư vấn và kiểm toán S&S (TP.HCM).

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra kết luận ông Nguyễn Duy Xuyên (Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Quang Trung kiêm Giám đốc Xí nghiệp Tổng hợp) có hành vi lừa đảo ngân hàng và chỉ ra sự “móc nối” với kiểm toán viên.

Cụ thể, vào ngày 12/3/2011, thời điểm ông Xuyên là Phó tổng giám đốc Công ty Quang Trung và Tăng Thị Thanh Hà (Kế toán trưởng Công ty) đã lập báo cáo năm tài chính 2010 giả mạo với mục đích vay tiền ngân hàng.

Báo cáo giả có số liệu không đúng với báo cáo tài chính thật được lập ngày 3/3/2011 do ông Nguyễn Thế Phương - Tổng giám đốc và bà Hà ký.

Ðể hợp thức hóa báo cáo giả, ông Xuyên đã liên hệ với nhân viên của Công ty Kiểm toán S&S. Khi đó, báo cáo tài chính thật đã được Công ty Kiểm toán Hùng Vương kiểm toán và Công ty Kiểm toán S&S không ký hợp đồng kiểm toán với Công ty Quang Trung, song kiểm toán viên Phùng Trung Kiên của Công ty Kiểm toán S&S vẫn “nhắm mắt” làm liều.

Kiên đã ký báo cáo kiểm toán giả ghi ngày 12/3/2011 (cùng ngày với báo cáo tài chính thật) và giả mạo chữ ký của lãnh đạo mình là ông Sam Han Lee - Giám đốc Công ty.

Cơ quan điều tra xác định, ông Xuyên sử dụng bản báo cáo tài chính giả để vay vốn và chiếm đoạt số tiền 24,9 tỷ đồng của ngân hàng.

Năm 2015, cơ quan tố tụng đã truy tố Phùng Trung Kiên về hành vi Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Khi vụ án được điều tra lại, năm 2019, cơ quan điều tra xác định, Kiên thừa nhận chữ ký trong báo cáo kiểm toán là giả, nhưng không biết ký trong trường hợp nào.

Kiên không đóng dấu vào báo cáo kiểm toán này và không biết ai giả chữ ký của ông Sam Han Lee, không biết ông Nguyễn Duy Xuyên là ai.

Cơ quan điều tra cho rằng, tài liệu chứng cứ thu thập không đủ cơ sở xác định việc Kiên ký với mục đích để ông Xuyên lập hồ sơ vay vốn nhằm chiếm đoạt tiền, nên đã đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự với kiểm toán viên này.

Trước đó, tại vụ án lừa đảo từng gây xôn xao thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2017 ở Công ty cổ phần Mỏ và khoáng sản miền Trung (MTM), cơ quan điều tra cũng phát hiện sai phạm của nhiều nhân viên kiểm toán.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2014, sau khi làm giả một số chứng từ, MTM thuê Công ty TNHH kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K, Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn tài chính Quốc tế (viết tắt là IAFC) kiểm toán báo cáo tài chính.

Các kiểm toán viên đã không trực tiếp làm việc với ban giám đốc, kế toán trưởng MTM, mà chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ được cung cấp, không soát xét kỹ hồ sơ (một số hồ sơ thiếu chữ ký của kế toán, thủ kho…), nhưng vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cho rằng, hành vi sai phạm của các cá nhân trên có mức độ, không hưởng lợi cá nhân nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán viên của các cá nhân này. Còn với trường hợp của Phùng Trung Kiên, tài liệu hồ sơ không nhắc đến hình thức xử lý trách nhiệm.

Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi sai phạm “mức độ” của kiểm toán viên mới dừng ở cảnh cáo, phạt tiền, nặng hơn thì bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hành nghề có thời hạn (tối đa là 12 tháng, theo Ðiều 4, Nghị định 41/2018/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập), hoặc bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách nếu vi phạm nghiêm trọng (Ðiều 13 - Thông tư 183/2013/TT-BTC về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng).

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên là chưa đủ sức răn đe, nên cần tăng nặng hơn để tránh tái diễn tình trạng kiểm toán viên “nhờn luật”, cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo quy định, các kiểm toán viên phải đáp ứng nhiều điều kiện như phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, có thời gian công tác thực tế tối thiểu 36 tháng và sau khi trải qua kỳ thi sát hạch để được cấp chứng chỉ. 

Khi kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, kiểm toán viên còn phải tuân theo quy định tại Nghị định 84/2006/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hàng năm. 

Tin bài liên quan