Chế tài mạnh để dọn rác viễn thông

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội. Vấn đề nóng, được đông đảo dư luận quan tâm hiện nay là nạn SIM rác, cuộc gọi rác.
Ảnh minh họa (Internet)

Ảnh minh họa (Internet)

Nỗ lực dọn dẹp SIM rác, cuộc gọi rác

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ đã phân bổ 236 triệu số cho các nhà mạng, với tổng số thuê bao là 127,2 triệu, đưa Việt Nam thành một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông cao (xếp thứ 30 thế giới).

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều hành động ngăn chặn tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp chuẩn hóa thông tin thuê bao. Đến tháng 6/2022, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai các biện pháp chuẩn hoá, bảo đảm 100% thuê bao có thông tin đúng quy định, hợp lý, hợp lệ.

Bộ cũng đã triển khai các giải pháp đối soát thông tin thuê bao qua việc liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Viettel, VNPT, MobiFone đã rà soát, đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an được 18/76 triệu giấy tờ thuê bao. Bộ đang đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương triển khai hoàn thành trong tháng 11/2022.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà mạng tuân thủ về quản lý thuê bao. Tháng 8/2022, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, ITel và Gmobile đã cùng ký thỏa thuận cam kết thực hiện kế hoạch ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động.

Trong công tác hậu kiểm, Bộ đã lập các đoàn kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động. Tổng số tiền phạt là gần 3 tỷ đồng đối với 7 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast.

Tuy nhiên, vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác vẫn diễn biến phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số lượng cuộc gọi rác lên đến 23 triệu, tăng 2,3 lần so với trung bình 7 tháng đầu năm 2021 (khoảng 9,5 triệu). Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã phát hiện có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và có 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ riêng Tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn (Tổng đài 5656) đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, có 177.473 cuộc gọi rác, tăng 34,2%.

Thời gian qua, vẫn còn tình trạng người dân không ý thức được việc bản thân họ lấy thông tin của mình đăng ký thuê bao rồi đưa cho người khác sử dụng, mà không thực hiện các thủ tục sang tên theo đúng quy định.

“Các nhà mạng hiện quản lý rất chặt khi bắt buộc chủ thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân, chụp ảnh theo quy định. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng luật không hạn chế cá nhân sở hữu số lượng SIM, dẫn đến tình trạng một người có thể đăng ký nhiều SIM để bán ra thị trường…”, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết.

Giải pháp nào để ngăn chặn triệt để?

Một trong những giải pháp được cho là sẽ ngăn chặn tận gốc SIM rác là chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện chỉ mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao.

Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chuẩn hoá, xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với mục tiêu bảo đảm hoàn thành 100% trong tháng 11/2022. Áp dụng công nghệ xác thực đăng ký thuê bao. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra.

Còn theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục làm việc với nhà mạng để xem xét đưa ra các chế tài cũng như hành lang pháp lý nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra vụ việc có những SIM được đăng ký kích hoạt rồi đem sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Theo Cục Viễn thông, trước tình hình mới, cần phải có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, bên cạnh đầu số 5656, Bộ cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất từ ngày 1/11/2022 sẽ triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Khi có các cuộc gọi phản ánh, các nhà mạng sẽ tiếp nhận, phân loại và xử lý các nội dung này.

Hy vọng, với các giải pháp cứng rắn, vấn nạn SIM rác sẽ được xử lý, mang lại bình yên cho người dân.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm hiện nay, toàn quốc đã có 19,79 triệu gia đình có cáp quang Internet trên tổng số 27,32 triệu hộ, chiếm 72,4%.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 107.900 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chỉ tiêu về lợi nhuận, nộp ngân sách đều tăng.

Tin bài liên quan