“Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, theo phản hồi của các doanh nghiệp mà chúng tôi ghi nhận được đã tạo ra làn gió mới về áp dụng chế độ kế toán…”, ông Vinh cho hay tại Hội nghị lưu ý các sai sót và vướng mắc thường gặp trong lập và kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng, do Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp tổ chức hôm nay (9/3).
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, các quy định mới của Thông tư 200/2014 có tính linh hoạt hơn, phù hợp với thực tiễn vì nó bãi bỏ việc bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện biểu mẫu, chứng từ kế toán của nhà nước. Tuân thủ quy định cũ không giải quyết gì về chống tham ô, tham nhũng, nhưng lại gây rào cản đối với doanh nghiệp.
Quy định mới trao quyền cho doanh nghiệp được tự xây dựng sổ kế toán, chứng từ kế toán sao cho phù hợp nhất với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp miễn sao tuân thủ các nguyên tắc theo luật định.
“Cải cách không dừng lại ở đó. Trong tương lai không quá xa, chúng ta sẽ không áp dụng hệ thống tài khoản thống nhất nữa, nghĩa là số hiệu tài khoản sẽ bỏ. Theo đó với chế độ kế toán mới, doanh nghiệp sẽ tùy ý đặt số hiệu tài khoản miễn sao tuân thủ các nguyên tắc mà quy định pháp lý đặt ra…”, ông Vinh nói.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, trước đây, khoảng 10 năm Việt Nam mới thay đổi chuẩn mực kế toán một lần, nhưng nay tần suất thay đổi khá dày để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
“Làm như vậy doanh nghiệp kêu mệt mỏi nhưng chúng ta buộc phải theo, vì không còn con đường nào khác. Hội nhập quốc tế buộc chuẩn mực kế toán phải thường xuyên được cập nhật. Dự kiến 2-3 năm nữa, chúng ta sẽ ban hành lại toàn bộ chuẩn mực kế toán…”, ông Vinh cho hay.
Khoảng 10 năm Việt Nam mới thay đổi chuẩn mực kế toán một lần, nhưng nay tần suất thay đổi khá dày để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Liên quan đến các sai sót mà các công ty đại chúng hay mắc phải trong quá trình lập báo cáo tài chính, TS. Hà Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch VACPA cho biết, doanh nghiệp thường chưa phân loại đúng tài sản và nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn; chưa ghi nhận và thuyết minh đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp…
“Các doanh nghiệp còn hay mắc phải nhiều sai sót trong ghi nhận doanh thu như: chưa phân biệt doanh thu kế toán và doanh thu, thu nhập khác chịu thuế. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu theo tiến độ phát hành hóa đơn, trong khi lẽ ra phải theo tiến độ hoàn thành. Doanh thu và giá vốn không được ghi nhận cùng một thời điểm hoặc hạch toán không chính xác giữa doanh thu chưa thực hiện với doanh thu đã thực hiện...”, bà Hà nói và khuyến nghị, các doanh nghiệp cần lưu ý để tránh mắc phải các lỗi này, qua đó đảm bảo thông tin trong báo cáo tài chính chuẩn xác, đáng tin cậy.