Thực tế này đòi hỏi chế độ kế toán cần có sự thay đổi để phản ánh đúng bản chất giá trị doanh nghiệp.
Mục đích của việc khấu hao là để phản ánh đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp với các giả định. Thế nhưng, khi tài sản của doanh nghiệp là những giá trị vô hình, lợi thế thương mại, những thứ chưa chắc đã bị điều chỉnh giảm theo thời gian thì bắt buộc phải khấu hao lợi thế thương mại có thể dẫn tới khoảng cách giữa giá trị thực doanh nghiệp và giá trị phản ánh trên báo cáo tài chính bị sai lệch lớn.
Lợi thế thương mại tăng giảm theo thời gian
Về chế độ kế toán, lợi thế thương mại được hình thành khi doanh nghiệp mua lại tài sản với giá lớn hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp đó. Điều này thông thường là khoản mục phản ánh các lợi thế của doanh nghiệp được mua lại, bao gồm lợi thế về thương hiệu, hệ thống phân phối, tập khách hàng.
Trong nhiều trường hợp, khoản mục này còn phản ánh lợi thế tham gia ngành của doanh nghiệp được mua với các trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có điều kiện kinh doanh, nhất là các ngành hạn chế người tham gia; thậm chí là lợi thế thương mại của đất đai mà doanh nghiệp đang sở hữu.
Việc trích khấu hao thường niên là để đảm bảo giá trị tài sản doanh nghiệp (trong trường hợp này là lợi thế thương mại) được phản ánh đúng. Nhưng khấu hao 10 năm đã hợp lý hay chưa? Trường hợp lợi thế thương mại không giảm đi, mà tăng lên theo thời gian, thì việc tính khấu hao có hợp lý?
Trên thực tế, để đánh giá được lợi thế thương mại tăng hay giảm, thì yếu tố quan trọng nhất chính là tác động của lợi thế thương mại đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp, với đặc thù riêng về sản phẩm, mô hình hoạt động, chiến lược đầu tư… sẽ có đánh giá về lợi thế thương mại khác nhau. Do đó, việc khấu hao lợi thế thương mại trong vòng 10 năm có thể chưa phản ánh đúng, đặc biệt khi lợi thế này nằm ở các quyền khai thác, quyền tham gia thị trường.
Có nên bắt buộc khấu hao lợi thế thương mại?
Trước năm 2001, theo tiêu chuẩn kế toán của Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán tài chính của Mỹ (FASB), lợi thế thương mại có thời gian khấu hao lên đến 40 năm và rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn mức tối đa 40 năm để khấu hao.
Từ tháng 6/2001, quy định mới của FASB đã thay đổi, chuyển từ khấu hao lợi thế thương mại sang đánh giá lợi thế thương mại và ghi nhận giảm giá trị lợi thế thương mại nếu có phát sinh yếu tố làm tổn thất.
Tuy nhiên, do việc đánh giá lợi thế thương mại thường phát sinh chi phí và thời gian, nên FASB sau đó có thêm một quy định, áp dụng cho các công ty tư nhân (chưa đại chúng hóa), cho phép các doanh nghiệp này được phép khấu hao lợi thế thương mại theo đường thẳng, với thời gian tối đa 10 năm, hoặc thấp hơn nếu doanh nghiệp chứng minh được tính hợp lý. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp chỉ phải thực hiện đánh giá lại lợi thế thương mại khi phát sinh các sự kiện dẫn đến giá trị thực của doanh nghiệp nhỏ hơn giá trị hạch toán.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) cho rằng, lợi thế thương mại là tài sản của doanh nghiệp và việc hạch toán khấu hao là bình thường.
Ở góc độ nào đó, quy định kế toán của Việt Nam có phần nới lỏng hơn so với các chuẩn mực kế toán của các quốc gia tiên tiến hay Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), quy định lợi thế thương mại phải được định giá lại hàng năm dựa vào giá trị hiện tại của dòng tiền lợi ích tương lai và hạch toán các tổn thất tài sản, nếu có.
“Việc hạch toán theo các quy định của Việt Nam hiện nay có thể không phản ánh hợp lý giá trị tài sản của công ty trong những trường hợp lợi thế thương mại tăng theo thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến những doanh nghiệp muốn duy trì điều kiện niêm yết nhưng theo đuổi chiến lược M&A các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhìn chung, quy định hiện hành giúp giá trị doanh nghiệp dần được phản ánh chính xác hơn, đặc biệt ở những trường hợp công ty đại chúng mà ban lãnh đạo thông qua hình thức M&A để nâng khống giá trị các công ty con”, ông Huy nhận xét.
Vậy cách hạch toán lợi thế thương mại như thế nào là tốt nhất?
“Cách hạch toán lợi thế thương mại theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế sẽ tốt hơn, nhưng rất khó thực hiện tại Việt Nam, do cả yếu tố chi phí lẫn tính tự giác tuân thủ pháp luật của nhiều doanh nghiệp Việt chưa cao. Về lâu dài, nên hướng đến việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn cả 2 hình thức hạch toán để lựa chọn và tuân thủ. Bộ Tài chính đang hướng tới lộ trình các công ty niêm yết áp dụng IFRS vào năm 2020 nên vấn đề này có thể được cải thiện theo thời gian”, ông Huy nói.