Việc đồng USD tiếp tục mạnh lên làm “xói mòn” các tài sản không phải bằng USD

Việc đồng USD tiếp tục mạnh lên làm “xói mòn” các tài sản không phải bằng USD

Che chắn trước “cơn giông”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Những động thái chính sách thuế quan của Mỹ đang tạo ra những thách thức đáng kể cho các nhà đầu tư châu Á.

Tiền tệ, trái phiếu chịu áp lực

Chỉ trong vài tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 2025 - 2029, ông Donald Trump đã đưa ra hàng loạt quyết định về thuế quan. Trong đó, áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, không có ngoại lệ hoặc miễn trừ và tăng thêm 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc; áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada (tạm hoãn áp dụng trong 30 ngày kể từ ngày 4/2/2025). Các động thái này đã tạo ra tâm lý lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư châu Á.

Theo bà Pruksa Iamthongthong, Phó giám đốc mảng cổ phiếu tại Abrdn Singapore, còn quá sớm để xác định đây có phải là một chiến thuật để giành lợi thế đàm phán của Mỹ với các đối tác hay không, nhưng việc thuế quan sẽ tăng là điều gần như chắc chắn. Câu hỏi chỉ còn là mức tăng bao nhiêu và ảnh hưởng đến những khu vực nào của châu Á.

Ông Christopher Wong, chuyên gia chiến lược ngoại hối tại OCBC Singapore cảnh báo, các đồng tiền có mối liên hệ chặt chẽ với nhà đầu tư như Won Hàn Quốc, Baht Thái Lan, Ringgit Malaysia và có thể cả đồng SGD Singapore sẽ chịu áp lực đáng kể sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan mới.

Đối với thị trường trái phiếu, bà Zerlina Zeng, Trưởng bộ phận Doanh nghiệp Đông Á tại CreditSights ở Singapore cho biết, CreditSights đã hạ xếp hạng tín dụng đầu tư châu Á từ mức thị trường xuống thấp hơn thị trường vào tháng 11 năm ngoái. Phần bù rủi ro trên trái phiếu đầu tư và trái phiếu rủi ro cao so với trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên do biến động gia tăng trong lãi suất và tín dụng Mỹ gây ra bởi các chính sách thuế quan của Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm được dự báo sẽ tăng lên 4,75% vào cuối năm nay.

“Nếu kịch bản này xảy ra cùng với sự chênh lệch lợi suất trái phiếu đầu tư châu Á tăng thêm 0,85% thì lợi nhuận đầu tư trái phiếu năm 2025 có thể giảm về 0”, bà Zeng nói.

Các chuyên gia tại Bank of America Securities lưu ý, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên có thể làm xói mòn các tài sản không phải bằng USD của các nước châu Á, dù các nước này đã mở rộng dự trữ ngoại hối.

Thực tế, sau khi điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng USD, dự trữ ngoại hối của châu Á giảm 48 tỷ USD từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái (nên mức tăng cả năm chỉ là 175 tỷ USD). Trong đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất về tài sản nước ngoài (không tính USD), “mất” 48 tỷ USD; tiếp theo là Trung Quốc (24 tỷ USD) và Singapore (17 tỷ USD).

Chiến lược đa dạng hóa đầu tư

Trước tình hình này, các nhà đầu tư có xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư và tìm kiếm những cơ hội mới. Chẳng hạn, Standard Chartered Bank áp dụng chiến lược cân bằng tại thị trường Trung Quốc, kết hợp giữa đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có tiềm năng tăng trưởng cao với các cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước có cổ tức ổn định.

Các chuyên gia dự báo, những tháng đầu năm 2025 sẽ là giai đoạn chờ đợi và quan sát. Thị trường cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ tác động của các chính sách thương mại mới từ chính quyền Trump. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nhà đầu tư cần linh hoạt trong chiến lược và sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết.

Mặc dù vậy, cơ hội đầu tư vẫn xuất hiện tại một số thị trường, khi định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn, đặc biệt là tại Ấn Độ sau đợt điều chỉnh gần đây. Australia và Hàn Quốc cũng được đánh giá là những thị trường tiềm năng, với Hàn Quốc đang có những nỗ lực cải thiện định giá doanh nghiệp trong dài hạn.

Tin bài liên quan