Ông Đỗ Thức

Ông Đỗ Thức

Chế biến thực phẩm tiếp tục có lợi thế

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 chỉ đạt 5,89%, thấp hơn năm 2010 và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch, song nền kinh tế nước ta vẫn đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm đã có bước phát triển mạnh mẽ và sẽ tiếp tục có lợi thế phát triển trong năm 2012. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ với ĐTCK.

 

Nhìn lại năm 2011, ông có đánh giá thế nào về sự phát triển của các ngành kinh tế qua con số thống kê?

2011 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, song nền kinh tế nước ta vẫn đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng 4%, cao nhất trong những năm gần đây và đóng góp 11,15% GDP. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản năm 2011 tăng khá cả về lượng và giá trị, như xuất khẩu gạo đạt 7 triệu tấn, 3,6 tỷ USD; thuỷ sản đạt 6,1 tỷ USD; cà phê đạt 2,7 tỷ USD; hạt điều đạt gần 1,5 tỷ USD...

Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn mọi năm, chỉ đạt 5,53%, đóng góp 39,4% GDP. Riêng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,43%, cao hơn mức tăng 7,03% của năm 2010. Khu vực dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá trị tăng thêm của cả khu vực này tăng khoảng 6,99%, đóng góp 49,46% GDP.

 

Chế biến thực phẩm dường như là một trong số ít ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn mọi năm?

Chế biến thực phẩm là ngành Việt Nam đang có nhiều lợi thế và có tiềm năng phát triển tốt. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này cũng phụ thuộc và chịu ảnh hưởng rất nhiều vào thị trường xuất khẩu, với những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng và sức ép cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2011, ngành chế biến mía đường đạt sản lượng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với 1,14 triệu tấn, tăng 32,3% so với năm 2010. Các ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng khá phải kể đến nữa là ngành sản xuất bia (16,4%); ngành sản xuất sản phẩm từ bơ, sữa (15,8%); ngành sản xuất và xay xát bột thô (15,4%); thuỷ hải sản chế biến (12,3%).

 

Công nghiệp với vai trò là ngành kinh tế chủ đạo lại có tốc độ phát triển chậm lại. Sự giảm tốc này ở mức độ nào, thưa ông?

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chỉ tăng 6,8% so với năm 2010, thấp hơn 2,5% so với tốc độ tăng của năm 2010 và đặc biệt thấp hơn 0,3 điểm % so với tốc độ tăng của năm 2009 là năm kinh tế thế giới và Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp ở mức 6,8% so với năm trước (trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%), trong khi chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 1/12 tăng cao ở mức 23% so với cùng thời điểm của năm 2010 và chỉ số tiêu thụ 11 tháng cũng của ngành này tăng thấp hơn ở mức 15%.

Trong 3 ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp khai thác mỏ, chủ yếu là dầu thô, khí tự nhiên và than đá (chiếm 17% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2010) năm 2011 giảm 0,1% và dự kiến các năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm do nguồn tài nguyên ngày càng cạn, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn.

Ngành sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng ổn định ở mức 10% (năm 2010 tăng 14,9%, năm 2009 tăng 11,9%), trong khi ngành này đòi hỏi tăng trưởng ít nhất 15 - 17% mỗi năm trong những năm tới mới đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 9,5% (năm 2010 tăng 12,6%, 2009 tăng 5,6%).

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới như hiện nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng tăng trưởng rất thấp, thậm chí giảm thì mức tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam năm 2011 ở mức 6,8% so với năm 2010 là khá tốt.

Thách thức lớn nhất của sản xuất công nghiệp nước ta trong năm 2012 là kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, trong khi ngành công nghiệp nước ta lại phụ thuộc khá nhiều vào thị trường xuất khẩu.

 

Trong năm 2012, ông đánh giá ngành nào sẽ có lợi thế phát triển nhất?

Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sẽ tiếp tục có lợi thế do sản xuất vẫn phát triển trong điều kiện nền kinh tế gặp những khó khăn. Nông sản sẽ vẫn được giá và tiêu thụ mạnh cả ở thị trường trong và ngoài nước.

Do vậy, công nghiệp chế biến (mía đường, thuỷ sản, hàng lâm sản...) sẽ có lợi thế phát triển nhất do chỉ số tồn kho năm 2011 thấp, ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ngành công nghiệp khai thác mỏ, nhất là dầu mỏ và than đá cũng có nhiều thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều lớn và được giá.