Chạy trên đường cao tốc Việt Nam - EU bằng thương mại điện tử

Chạy trên đường cao tốc Việt Nam - EU bằng thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Công Thương vừa phối hợp với Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức Lễ ra mắt chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử diễn ra cuối tuần trước.


Đây được cho là một trong những biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt tăng tốc tuyến đường cao tốc kết nối doanh nghiệp Việt Nam - EU.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, nhằm khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA, Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng Thương mại điện tử thông qua Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - EU (Vefta) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các doanh nghiệp (B2B Marketplace).

Chương trình đã giúp hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.

“EVFTA là cơ hội và là sức ép hợp lý để doanh nghiệp thay đổi, từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được cơ hội gia tăng kim ngạch, doanh nghiệp trong nước đứng vững trên sân nhà”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Hiệp định EVFTA được ví như “Tuyến đường cao tốc đã mở" đối với cả Việt Nam và EU, nhất là doanh nghiệp hai nước.

Bộ Công Thương đã kiến nghị và triển khai một số nhóm giải pháp như xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỷ USD, người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần tới siêu thị. Việc xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng sẽ tạo ra những đốt phá trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, như thị trường EU.

Để Chương trình hợp tác này đi vào hoạt động hiệu quả, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị khác trong Bộ hợp tác với VINASMEs, Viện khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, Tập đoàn Kim Nam tiếp tục phát triển để hoàn thiện nền tảng sàn thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp make in Việt Nam, hướng tới xuất nhập khẩu, phối hợp triển khai các chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử.

Đồng thời nghiên cứu tìm giải pháp tích hợp với các hệ thống của các cơ quan liên quan như Hải quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; Chú trọng việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn và bảo mật trong quá trình vận hành.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng kỳ vọng, đây sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình tạo ra những giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, lấy công nghệ làm cốt lõi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nâng cao năng lực, tăng thêm những cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, để tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại.

Tin bài liên quan