Kín chỗ tour Tết Âm lịch
Chị Bùi Thị Hà (Bách Khoa, Hà Nội) cho biết, tết này, gia đình chị mua tour đi Úc du lịch, thay vì đi các nước khu vực Đông Bắc Á như mọi năm.
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán tại mốt số công ty du lịch như Vietravel, Fiditour, Hanoi Redtours, Vietrantour, APT Travel… cho thấy, các tour du lịch nước ngoài kéo dài từ 3-5 ngày tại các nước châu Á như Malaysia, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, hay xa hơn như Dubai, Mỹ, Châu Âu, Úc… được đông đảo du khách lựa chọn là điểm đến trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay. Trong khi đó, các tour nội địa bán chậm hơn, với điểm đến là các địa doanh quen thuộc như Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né, Đà Lạt...
Fiditour cho biết, từ cuối tháng 12/2017, Công ty đã nhận được nhiều tour đăng ký du lịch nước ngoài trong dịp Tết. Hanoi Redtours cũng cho hay, tour du lịch tuyến xa đã được du khách đặt kín chỗ ngay từ tháng Chạp.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Hanoi Redtours, để chuẩn bị cho mùa kinh doanh này, các doanh nghiệp đã phải tính toán, nghiên cứu thị trường từ trước đó 4-6 tháng. Hai điểm được các công ty lữ hành đặc biệt chú trọng, đó là nghiên cứu điểm đến hút khách để xây dựng tour, đồng thời đưa ra độ dài của hành trình vừa trọn vẹn với số ngày nghỉ Tết.
“Chủ động từ sớm để đưa ra sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý... sẽ giúp các công ty du lịch ghi nhận doanh thu cao trong mùa kinh doanh Tết”, ông Hoan nói.
Kỳ vọng một năm bội thu
Việc “cháy” tour ngay từ đầu năm đã mở ra cho ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp lữ hành nói riêng một năm nhiều hy vọng.
Theo lãnh đạo Vietrantour, 2018 sẽ vẫn là năm tăng trưởng mạnh của ngành du lịch, riêng Công ty dự kiến tăng trưởng chung ở mức 40%. Hanoi Redtour cũng đưa ra dự báo tăng trưởng hai con số, với doanh thu tăng 46%, lợi nhuận tăng 25%. Trong khi đó," ông lớn" Vietravel từ nhiều năm nay vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ 20-25%, con số này được kỳ vọng tăng cao hơn trong năm nay.
Tuy nhiên, các công ty cũng thẳng thắn nhìn nhận nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng cao sẽ giúp dịch vụ du lịch phát triển, nhưng mức độ cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn.
“Doanh thu năm nay có thể tăng gấp đôi so với năm ngoái nhờ có nhiều sản phẩm mới, tour tuyến mới được đưa vào khai thác..., nhưng lợi nhuận sẽ khó bứt phá do giá bán cạnh tranh khốc liệt. Có những dòng sản phẩm chúng tôi bán chỉ để lấy doanh số và chia sẻ lợi nhuận với đại lý. Với nhu cầu ngày một tăng như hiện nay, nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu sẽ còn được tung ra trong năm nay”, lãnh đạo một công ty nằm trong top 10 công ty lữ hành lớn nhất Việt Nam chia sẻ.
Thực tế cho thấy, xu hướng đi du lịch của người Việt đã thay đổi. Nếu như trước đây người dân một năm chỉ đi du lịch vào dịp hè, thì nay họ đi du lịch quanh năm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng trong năm nay.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Vietrantour cho hay, năm nay, Công ty sẽ tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ tour nội địa, tour du lịch nước ngoài đến tour đón khách nước ngoài đến trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Các tour lễ hội, tour sự kiện, teambuilding... đã bao gồm vé máy bay và khách sạn cũng được nhiều công ty chú trọng khai thác.
Một trong những thành công của một số doanh nghiệp lữ hành lớn trong năm qua là hợp tác với các hãng hàng không để xây dựng sản phẩm độc, lạ. Lãnh đạo Vietrantour cho biết, năm nay, Công ty sẽ tiếp tục làm mới các tuyến điểm thông qua việc hợp tác mở các đường bay thẳng, các tour thuê nguyên chuyến bay (charter flight… để gia tăng thu hút khách du lịch.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2017, Việt Nam đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch - mức kỷ lục từ trước đến nay. Tổng doanh thu của ngành du lịch đạt khoảng 500.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD), đóng góp khoảng 7% GDP. Nhiều đường bay mới, tour tuyến mới được đưa vào khai thác...
Với khởi đầu thuận lợi, ngành du lịch Việt nói chung và các doanh nghiệp lữ hành nói riêng kỳ vọng sẽ có một năm Mậu Tuất bội thu.