Xử lý khủng hoảng của TCM
Ngày 18/9/2017, Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã TCM) công bố thông tin về việc một nhà kho vải mộc của Công ty bị cháy ngày 16/9/2017.
Theo TCM, kho vải bị cháy có diện tích 2.167 m2, thống kê sơ bộ tài sản bị thiệt hại gồm 700.000 m vải mộc và 2 máy hồ dệt. Công ty cũng cho biết, toàn bộ tài sản nơi bị cháy gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị, hàng hóa đã được mua bảo hiểm và nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện.
Tuy nhiên, bất chấp việc chủ động trấn an từ phía Công ty tới thị trường, nhà đầu tư vẫn bán tháo cổ phiếu TCM. Phiên giao dịch ngày 18/9/2017, cổ phiếu TCM giảm 5,6% về mức 28.600 đồng/cổ phiếu.
Giải thích cho sự suy giảm này, nhiều ý kiến cho rằng, đồng ý là TCM đã mua bảo hiểm, nhưng để lấy được tiền bồi thường từ nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm là điều không dễ, do phải chứng minh đủ điều kiện đền bù và mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể đến những hệ quả có thể phát sinh như việc đơn hàng bị chậm có thể bị đối tác phạt, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận mà trước đó Công ty đã dự kiến, đặc biệt khi đây là vải phục vụ cho đơn hàng gia công.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cho biết, vải bị cháy là loại vải mộc, tức là vải chưa qua xử lý, nhuộm để xuất khẩu sang Nhật Bản, chứ không phải là loại vải phục vụ gia công.
Thêm vào đó, số vải này là đơn hàng sẽ xuất vào tháng 10, nên Công ty đã chủ động liên lạc với khách hàng trình bày vấn đề và xin được xuất chậm 1 tuần.
“Hiện phía đối tác đã đồng ý với đề xuất này”, ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, một vấn đề nữa nhà đầu tư có thể yên tâm hơn, đó là tổng giá trị thiệt hại của vụ cháy không quá lớn. Cụ thể, giá trị của lượng vải thô khoảng 1,5 triệu USD, thêm các loại máy móc, nhà xưởng… tổng thiệt hại vụ cháy dưới 2 triệu USD (khoảng 40 tỷ đồng) và đã được mua bảo hiểm toàn bộ.
“Dù mức ảnh hưởng của vụ cháy không lớn so với quy mô hoạt động của Công ty, nhưng không hiểu vì sao nhà đầu tư vẫn e ngại”, ông Tùng chia sẻ.
Tính đến thời điểm 30/6/2017, TCM có tổng tài sản trên 3.123 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Công ty mẹ đạt hơn 118 tỷ đồng, tương quan với khoản 45 tỷ đồng ước tính thiệt hại từ vụ cháy (đã được bảo hiểm) là không quá lớn.
Thế nhưng, với sự lo ngại của thị trường, vốn hóa TCM đã bị thổi bay hơn 87 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên giao dịch và những nhà đầu tư “non gan” đã bán đi hơn 3,381 triệu cổ phiếu ngày giao dịch 18/9 bị mất khoảng 5,5 tỷ đồng.
Chủ động thông tin từ doanh nghiệp: Cần hơn sự đa chiều và độ tin cậy
Với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9 là 40.700 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HAX của Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh đã tăng giá khoảng gần 22% so với mức giá thấp nhất mà cổ phiếu này từng có khi Công ty ra báo cáo tài chính quý II/2017 là lỗ (giá 33.400 đồng/cổ phiếu ngày 24/7/2017, đóng cửa phiên này đạt 36.300 đồng/cổ phiếu).
Và giờ đây, trên các diễn đàn cũng như các nhóm tư vấn đầu tư, cổ phiếu HAX lại được khuyến cáo mua vào, bởi kỳ vọng lợi nhuận gia tăng vào quý III năm nay. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn có phần e ngại.
Điều mà họ ngại không phải đến từ việc HAX có thể hạch toán được lợi nhuận như dự báo hay không, mà là, họ có phải chịu đựng một cú sốc thông tin như quá khứ hay không, khi ngoài vấn đề giải thích lý do dẫn đến khoản lỗ, doanh nghiệp không có một lời động viên nhà đầu tư về câu chuyện dài hạn hơn, thứ mà chính các chuyên gia phân tích đã gắn bó lâu với Công ty chia sẻ sau đó.
Một nửa sự thật được đưa ra và cái giá phải trả là hàng tỷ đồng của các nhà đầu tư bị thổi bay.
Vụ cháy kho vải khiến cổ phiếu TCM giảm sốc trong phiên giao dịch ngày 18/9 - Ảnh: Vnexpress
Đối với trường hợp Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) và công ty con là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Nông nghiệp, mã HNG), trong thời gian gần đây, những báo cáo cập nhật về tình hình kinh doanh đã bắt đầu được công bố.
Thế nhưng, sau những lần dự phóng có vẻ hơi… quá đà trong quá khứ, thị trường trở nên thận trọng hơn với những công bố của Công ty về mảng trái cây. Vấn đề đặt ra là, họ cần những thông tin tin cậy hơn, để cho thấy những con số công ty đưa ra về quy mô trồng, giá bán trái cây và hiệu quả mang lại.
Nhà đầu tư đại trà khó có thể nắm bắt hết được, với quy mô hàng nghìn héc-ta mỗi loại quả, HAGL sẽ chăm sóc, quản lý bằng cách nào? Bán qua kênh nào nào để đảm bảo đầu ra ổn định? Và đặc biệt, vì sao Công ty lại đạt được mức giá bán và hiệu quả kinh tế vượt trội so với mặt bằng chung như dự báo?
Giám đốc một quỹ đầu tư nhận xét: “Khi anh Đức (Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL) làm tốt về bất động sản, người ta tin rằng những gì anh ấy nói sau đó đều đúng. Và bây giờ, sau những thất bại anh ấy trải qua, thị trường lại nghi ngờ mọi thứ anh ấy nói. Vấn đề quan trọng là nên có thêm dữ liệu để phân tích, chứ không nên tin tất cả, hoặc phủ định tất cả. Cả 2 trạng thái này đều không nên cho các nhà đầu tư”.
Chỉ có điều, ngoài những chuyên gia phân tích, các nhà đầu tư lớn được tiếp cận trực tiếp HAGL, thì nhà đầu tư đại chúng, bằng kênh nào có thể phân tích độc lập HAGL?
Thị trường cần những thông tin đến tận chân vấn đề và chân thực hơn để họ tự đưa ra nhận xét, cũng như có sự tin cậy hơn về mảng kinh doanh mới, thay vì những con số tổng quát và dự báo, thứ đã tạo nên niềm tin và sự hụt hẫng của họ về HAGL trong quá khứ với các mảng kinh doanh khác. Nhưng tiếc rằng, HAGL vẫn chưa làm được điều đó.
Điều này khiến những thông tin Công ty đưa ra vẫn bị thị trường tiếp nhận trong trạng thái nghi hoặc. Về giá cổ phiếu, nếu tính trong khoảng thời gian 6 tháng gần đây thì cả HAG và HNG sau một đợt tăng mạnh, đang lùi dần về đáy cũ.
Với thị trường chứng khoán, thông tin là yếu tố đặc biệt quan trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu. Vì thế, thứ mà nhà đầu tư mong muốn là những thông tin không chỉ chính xác, mà phải đầy đủ, kịp thời, tránh gây hiểu lầm.
Với không ít trường hợp doanh nghiệp đang bị mất niềm tin nơi thị trường, thì công bố thông tin đủ theo quy định pháp luật sẽ không được coi là đủ. Khi niềm tin đã mất đi, nếu muốn lấy lại, cần sự nỗ lực thực sự từ người đứng đầu và cả Ban lãnh đạo doanh nghiệp.