Nhộn nhịp từ đầu năm
Tuần này, CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố đã phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu để chuyển đổi 1.200 tỷ đồng trái phiếu sau khi 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mới được KBC hoàn tất phát hành vào 14/1/2015. Như vậy, sau hơn 1 tuần, trái phiếu đã được KBC chuyển đổi hoàn toàn. 6 trái chủ của KBC sau 1 tuần đã trở thành cổ đông của Công ty. Số tiền huy động thêm đợt này, KBC sẽ trả hết nợ cũ nhằm tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng tiền lãi phải trả. Vốn còn lại, KBC chủ yếu đầu tư vào KCN và đầu tư mở rộng KCN. Trong đó, tăng cường các hoạt động tại TP. HCM. Sau khi tái cơ cấu nợ cũ xong, Công ty có đủ điều kiện triển khai các dự án bất động sản lớn ở Hà Nội.
Triển vọng của KBC khá rõ ràng có lẽ là lý do thuyết phục các NĐT lớn bỏ vốn bởi giá chuyển đổi trong phương án phát hành của KBC là không thấp hơn 15.000 đồng/CP, xấp xỉ với thị giá KBC thời điểm phát hành.
Một DN khác là CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên hơn 1.110 tỷ đồng tại cuộc họp ĐHCĐ sáng ngày 28/1. Theo đó, DN sẽ phát hành tối đa 53,63 triệu cổ phiếu và tối thiểu 41,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi và trả cổ tức năm 2014. Sau phát hành mức vốn điều lệ của HHS có thể lên đến hơn 1.110 tỷ đồng. Vốn mới được Công ty tập trung vào hoạt động kinh doanh buôn bán ôtô, đang đem lại lợi nhuận lớn cho HHS và được nhận định tiếp tục khả quan trong năm 2015. Vào những quý cuối cùng của năm 2014, HHS là một trong những mã cổ phiếu nóng trên HNX và được khá nhiều NĐT quan tâm.
Thuộc nhóm tân binh, CTCP Tập đoàn Tiến Bộ đến từ Thái Nguyên hiện có quy mô rất nhỏ, vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Giống như nhiều công ty niêm yết gần đây, DN này có lộ trình tăng vốn thêm 105 tỷ đồng nữa. Còn hàng loạt DN bất động sản, CTCK đều đang xây dựng các kế hoạch gọi vốn khả thi từ TTCK trong năm 2015. Theo dự đoán của giới phân tích, thị trường khó có đột biến trong năm nay, nhưng triển vọng VN-Index có thể tăng trưởng chạm mốc 650 điểm là có cơ sở. Trên nền tảng khá ổn định của thị trường, DN có thể dễ dàng tăng vốn qua TTCK.
Thận trọng không thừa
Ngày 5/1 là thời hạn nộp tiền cuối cùng cho đợt tăng vốn của CTCP TNG. Với thị giá cổ phiếu đạt 17.000 đồng/CP vào thời điểm đó, hầu như ít có cổ đông hiện hữu nào từ chối nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. TNG là một trong những cổ phiếu xuất hiện trong bữa tiệc của nhiều NĐT ưa thích cảm giác mạnh khi lịch sử biến động giá có nhiều con sóng xoay quanh nó. Lợi nhuận của DN ổn, nhưng dòng tiền lại có vấn đề.
Có thời gian, kiểm toán còn lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của DN. Nhìn một cách tổng thể, trên thị trường có không ít DN hoạt động chưa hiệu quả, thực tế giải ngân vốn vào những dự án kém tiềm năng vẫn huy động được vốn. Sự đổ vỡ của những DN này nếu xảy ra sẽ tạo ra hình ảnh rất xấu cho thị trường và gây mất niềm tin cho các NĐT. Dù lãi suất tiền gửi ngân hàng đã xuống rất thấp, vàng, ngoại tệ ít biến động, chứng khoán năm qua vẫn chưa thu hút được nhiều người dân bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh đầu tư này. Lý do chỉ đơn giản là họ vẫn ám ảnh về sự thua lỗ nặng nề của những năm trước và chưa thấy cơ hội thực sự an toàn vào thời điểm này.
Mới đây, câu chuyện của CTCP Thủy sản Việt An (AVF) trên HOSE lại khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. DN này vào đầu năm 2014 đã hoàn tất đợt huy động vốn 150 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Cũng bắt đầu từ đó, nhiều vấn đề đã nảy sinh như liên tục thay tổng giám đốc, vi phạm quy định về công bố thông tin, báo cáo tài chính có nhiều điểm kiểm toán ngoại trừ… Rút cuộc, cơ quan điều tra đã phải vào cuộc. Công ty mới đây công bố kết quả kinh doanh năm 2014, với con số lỗ kỷ lục gần 700 tỷ đồng, âm hơn một nửa vốn chủ sở hữu. Hiện hoạt động của Công ty cũng gần như tê liệt, nhiều cổ đông gần như đã mất trắng khi bỏ vốn vào DN này.
Với những câu chuyện phát hành và sử dụng vốn trên TTCK như vậy, rất khó để các NĐT mới tin và bỏ tiền nhàn rỗi của họ vào thị trường. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với cơ quan quản lý trong triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015.