Chạy đua M&A vì áp lực chuyển đổi số, nhìn từ thương vụ Vingroup mua nhà máy của LG Electronics

Chạy đua M&A vì áp lực chuyển đổi số, nhìn từ thương vụ Vingroup mua nhà máy của LG Electronics

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng.

Cạnh tranh sở hữu hạ tầng kinh doanh chuyển đổi số

Những ngày đầu năm 2021, thông tin Vingroup chuẩn bị mua lại tất cả các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của LG Electronics tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil đã được giới truyền thông Hàn Quốc tung ra. Dù chưa được hai bên chính thức xác nhận, nhưng đã báo hiệu về một năm sôi động của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A).

LG Electronics đang vận hành một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, trong khi Vingroup mới gia nhập mảng này và mang nhiều tham vọng để vươn ra toàn cầu.

Nếu mua lại được nhà máy của LG Electronics, Vingroup có thể tăng khả năng cạnh tranh điện thoại thông minh toàn cầu, đồng thời tạo thêm việc làm tại địa phương, trong khi các nhà máy ở Brazil và Trung Quốc sẽ được sử dụng để thâm nhập thị trường khu vực tốt hơn.

Ở mảng công nghệ thông tin, lĩnh vực chuyển đổi số đang được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thương vụ M&A ở Việt Nam.

Báo cáo của Fintech Singapore về thị trường fintech Việt Nam 2020 chỉ ra rằng, trong năm qua, thị trường fintech của Việt Nam bùng nổ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử, cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số và các giao dịch điện tử tăng mạnh do tác động từ Covid-19.

Theo đó, số lượng start-up trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam đã tăng từ 44 công ty năm 2017, lên 120 công ty vào năm 2020. Trong đó, lĩnh vực thanh toán chiếm đa số (38 công ty). Thị trường Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 12 có gần 35,7 triệu dân ở khu vực thành thị, khoảng 30,8% dân số có tài khoản ngân hàng, chỉ có hơn 25 máy ATM trên 1.000 dân (người trưởng thành), 26,74% có thẻ ghi nợ và chỉ có hơn 4% dân số có thẻ tín dụng.

Những thông số trên tạo nền tảng lạc quan cho các nhà đầu tư quốc tế về tiềm năng tăng trưởng của thị trường fintech tại Việt Nam. Họ đã rót hàng trăm triệu USD vào các start-up trong nước. Mặc dù các khoản rót vốn lớn đa phần đã giải ngân vào năm 2019, nhưng tác động tích cực của dòng vốn này vẫn được ghi nhận.

Ông Brian Levy, lãnh đạo toàn cầu khối tư vấn thương vụ của PwC cho hay, Covid-19 đã khiến việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi số trong doanh nghiệp trở thành ưu tiên hàng đầu và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu trên. Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, đẩy định giá của các tài sản này lên mức cao hơn.

Cùng với xu hướng toàn cầu, M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Ông Ong Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam cho rằng, dù thị trường còn khá cẩn trọng, các hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn có vị thế tốt để phục hồi khi triển vọng kinh tế tăng trưởng được báo báo sẽ tích cực trong năm nay.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, năm 2021 sẽ rất bận rộn với các nhà tư vấn thương vụ, giới đầu tư tài chính. Với các công ty đang đối mặt khó khăn sắp xảy ra, việc hợp nhất có thể là điều không thể tránh khỏi. Đối với những doanh nghiệp khác, giao dịch M&A có thể là cách tốt nhất và nhanh nhất để lấp đầy những khoảng trống cấp bách về kỹ năng, nguồn lực và công nghệ mà họ đang thiếu để tạo ra giá trị trong quá trình phát triển.

Lãi suất thấp, nhu cầu nắm giữ các hoạt động kinh doanh sáng tạo được hỗ trợ bởi công nghệ hoặc kỹ thuật số, cùng với lượng vốn khả dụng dồi dào từ bên mua là các doanh nghiệp (trị giá hơn 7.600 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán thị trường) và các quỹ đầu tư tư nhân (1.700 tỷ USD), được cho là các yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường M&A tăng mạnh.

Thêm tiêu chí phi truyền thống để định giá thương vụ

Khi việc định giá đang tăng cao và quá nhiều dòng vốn muốn vào cuộc, các công ty có chiến lược M&A phải chú ý đến các nguyên tắc cơ bản để tạo ra giá trị lâu dài.

Trong đó, các bên thực hiện thương vụ đang ngày càng cân nhắc về những tiêu chí tạo giá trị phi truyền thống của doanh nghiệp. Các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp đang gần như quyết định đến quá trình ra quyết định chiến lược cũng như thẩm định giá trị thương vụ. Điều này nhằm bảo vệ, tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư khi bên bán đưa ra mức định giá cao, bên cạnh nhu cầu lớn từ thị trường.

Sau một năm đầy biến động trong lĩnh vực giao dịch, năm 2021 có thể sẽ được đánh dấu bằng sự phân cực ngày càng tăng trong việc định giá tài sản.

Các yếu tố được cho là sẽ tác động trực tiếp đến việc định giá thương vụ và hoạt động M&A bao gồm sự gia tăng tái cơ cấu và việc tiếp tục các thương vụ IPO nóng, đặc biệt là việc sử dụng các công ty mua lại có mục đích đặc biệt để huy động vốn.

Trong lịch sử, các thương vụ IPO luôn cạnh tranh mạnh mẽ với M&A, vì chủ sở hữu công ty có thể chọn phương thức kiếm được nhiều tiền thông qua thị trường cổ phiếu hơn là mất thời gian đàm phán để chốt một thương vụ. Điều này càng tạo ra lo ngại hơn khi nửa cuối năm 2020, nhu cầu của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp đổi mới, có định hướng công nghệ tăng trưởng cao đã tràn vào thị trường IPO.

Tin bài liên quan