Chuẩn bị tốt nguồn cung
Theo lãnh đạo các nhà băng, huy động vốn vẫn tăng trưởng ổn định, nhưng điều đó không có nghĩa là không phải cạnh tranh gay gắt. Đáng chú ý là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND. So với lãi suất tiền gửi VND, lãi suất tiết kiệm USD hiện là 0%/năm, song nhiều người vẫn nắm ngoại tệ, thay vì tiền đồng. Trong khi đó, nhu cầu vốn của khách hàng tăng mạnh dịp cuối năm và dự báo tiếp tục cải thiện trong năm 2016, nhất là khi thị trường bất động sản đang ấm dần.
Đó cũng chính là lý do để các nhà băng chạy đua huy động tiền đồng trong những ngày cận Tết, với nhiều ưu đãi và khuyến mãi để hấp dẫn người gửi tiền. Chẳng hạn, từ nay đến hết ngày 11/4, Sacombank triển khai chương trình “Gửi tiền - tặng tiền” dành cho cá nhân. Khi gửi tiết kiệm thông thường với kỳ hạn từ 15 tháng trở lên hoặc gửi tiết kiệm “Trung hạn đắc lợi” với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ được tặng thêm số tiền thưởng tương ứng 0,2% số tiền gửi (kỳ hạn 24 hoặc 36 tháng, lĩnh lãi hàng tháng, quý hoặc năm).
Trong năm qua, Sacombank nhiều lần điều chỉnh nhẹ lãi suất tiết kiệm VND, nhất là tháng cuối của năm 2015, với mức tăng từ 0,2-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãnh đạo Sacombank cho rằng, tình hình thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu vay mua nhà tăng mạnh nên ngân hàng tăng huy động vốn.
HDBank vừa triển khai Chương trình “Gửi tiền trúng vàng ký - Đón xuân như ý" với hàng loạt giải thưởng bằng vàng SJC, dành cho cá nhân gửi tiết kiệm từ nay đến ngày 22/4. Chỉ cần gửi tiết kiệm 60 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ có cơ hội trúng giải đặc biệt lên đến 1 kg vàng. Hay VIB vừa tổ chức lễ bốc thăm và trao thưởng cho hai khách hàng may mắn nhất sở hữu chiếc xe ô tô BMW 320i GT trị giá 1,8 tỷ đồng và căn hộ cao cấp The Krista trị giá 1,8 tỷ đồng…
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, huy động vốn của ngân hàng ông đến cuối năm 2015 tăng trưởng trên 10%; tỷ lệ vốn cho vay trên huy động hiện cũng chỉ ở mức 70 - 80%. Thế nhưng, nhu cầu vốn của khách hàng khả năng sẽ cải thiện trong những tháng đầu năm 2016 nên thanh khoản luôn được ngân hàng chú ý.
Một lý do khác được ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, “room” tín dụng của nhiều nhà băng sớm cạn khi chưa kết thúc năm tài chính 2015. Do đó, bước vào năm 2016, “room” tín dụng mới được cấp là cơ hội để ngân hàng tăng trưởng hoạt động cho vay. Năm 2015, tín dụng tăng trưởng 17,6%, nhưng huy động vốn tăng trưởng đến 27%. Trong năm nay, OCB đặt ra mục tiêu dư nợ tăng 44% so với năm 2015 nên cũng phải tăng huy động. Với chương trình “Xuân phương Đông”, OCB treo giải hơn 4 tỷ đồng quà tặng. Lãi suất huy động vốn của OCB hiện nay cũng được xem là mức khá cao trên thị trường, dao động từ 7,2-7,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng và 5,5%-6,8%/năm cho kỳ hạn dưới 1 năm.
Hay áp lực huy động vốn?
Mặc dù thanh khoản được các nhà băng cho là dồi dào và đang từng bước chuẩn bị nguồn để đáp ứng cầu vốn tăng cao trong năm 2016, nhưng cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng đang chịu áp lực huy động trước sức ép tỷ giá, thương hiệu của một số nhà băng bị ảnh hưởng do nợ xấu, lợi nhuận giảm… Thực tế cho thấy, trong năm qua, vẫn còn một số nhà băng tăng trưởng huy động vốn âm. Đơn cử Eximbank, đến tháng 10/2015 tăng trưởng huy động vốn của nhà băng này giảm (-1,3%), đồng thời dư nợ tín dụng cũng âm 2,3%. Trong năm qua, Eximbank tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng trích dự phòng rủi ro, thậm chí hy sinh cả lợi nhuận để đảm bảo hoạt động an toàn.
Eximbank cũng là ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp cao khi thay đổi ghế “nóng” Chủ tịch và Tổng giám đốc. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của Eximbank trên thị trường. Trong những tháng cuối năm, Eximbank tăng cường huy động, với nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi “gửi vốn mới, tới nhận quà” tặng lãi suất cho khách hàng gửi vốn mới kỳ hạn từ 1 - 12 tháng cùng các quà tặng khác.
Tuy nhiên, so với các nhà băng cùng quy mô, đó là chưa kể ngân hàng nhỏ hơn thì Eximbank vẫn có lợi thế trên thị trường cũng như trong huy động tiết kiệm. Bởi thương hiệu mạnh về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như thanh toán.
Trên thị trường hiện nay, vẫn còn ít nhất trên 5 ngân hàng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và thị phần huy động vốn chưa đáng kể nên vẫn cạnh tranh gay gắt để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi. Thực tế cho thấy, lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn thuộc về ngân hàng quy mô nhỏ. Đơn cử tại VietA Bank, lãi suất cao nhất là 7,6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Tại Viet Capital Bank, DongA Bank, SaigonBank… áp dụng mức lãi suất cao nhất từ 7-7,2%/năm.
Tuy nhiên, khác với trước đây, tình trạng “vượt” trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở xuống không còn. Mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các TCTD không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Thực hiện chỉ đạo trên, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các TCTD trên địa bàn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng TP.HCM mới đây, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, lãi suất tiền đồng tuy đã giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng xu hướng mất thanh khoản vẫn còn hiện hữu, nên cần thận trọng.
Mặt bằng lãi suất năm 2016 được dự báo sẽ ổn định, nhưng khả năng tăng nhẹ là khó tránh. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng và xu hướng tăng lãi suất của Fed.
Tín dụng được dự báo tăng trưởng trong năm 2016, nhưng theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, tài chính để có thể kích thích được cầu lãi suất cần giảm thêm. Đáng chú ý với lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn phải giảm ít nhất thêm 1-1,5%/năm.