Đường ống dẫn khí thuộc Tập đoàn Agip Oil của Nigeria

Đường ống dẫn khí thuộc Tập đoàn Agip Oil của Nigeria

Châu Phi sẵn sàng thay thế Nga cung cấp dầu khí cho châu Âu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lệnh cấm dầu của Nga đã hướng các nhà nhập khẩu dầu và khí đốt chuyển mối quan tâm sang các đối tác tiềm năng mới, trong đó các nước châu Phi nổi lên như một lựa chọn khả thi.

Trữ lượng khổng lồ bị lãng quên

Nguồn dự trữ khí đốt to lớn trên khắp châu Phi dường như đã không được quan tâm đúng mức trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực trạng này có khả năng sẽ chuyển biến khi thế giới đang đua tranh để giành lấy các lựa chọn có thể thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga.

Hiện nay, châu Phi chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu khí đốt của thế giới và hầu hết lượng khí đốt này đều do một quốc gia duy nhất là Algeria cung cấp. Tuy nhiên, cần biết rằng, lục địa này có lượng dự trữ khí đốt rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Nam sa mạc Sahara. Đáng tiếc là những hạn chế như cơ sở hạ tầng yếu kém, xung đột và các vấn đề khác đã khiến các công ty năng lượng e ngại khi triển khai các dự án tại khu vực này.

Bà Linda Mabhena-Olagunju, Giám đốc điều hành của Tập đoàn năng lượng DLO có trụ sở tại Johannesburg (Nam Phi), cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất là tính bền vững của nguồn cung, bởi hầu hết các quốc gia cung ứng đều nằm ở các khu vực dễ biến động, những nơi đang có chiến tranh.

“Chúng tôi đã chứng kiến thực tế này ở khu vực đồng bằng sông Niger, cũng như các diễn biến gần đây ở miền Bắc Mozambique, khi hãng Total đã phải rút hầu hết nhân viên của mình do tình trạng khủng bố đang diễn ra”.

Tuy nhiên, tình hình xung đột tại châu Âu hiện nay có thể khiến các nhà đầu tư năng lượng vốn không ưa mạo hiểm phải ra ngoài tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt mới.

Chẳng hạn, Nigeria là quốc gia có dự trữ khí đốt ước tính vào khoảng 5.660 tỷ m3, đủ để trở thành nhà cung cấp tiềm năng cho các khu vực phụ thuộc vào khí đốt như châu Âu.

Cho đến nay, các nhà sản xuất dầu Nigeria vẫn coi khí đốt như một sản phẩm phụ không được ưa chuộng lắm. Thế nhưng, xung đột Nga - Ukraine đã thôi thúc các nhà chức trách Nigeria nối lại kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đến châu Âu - một dự án trị giá 25 tỷ USD xuyên qua 13 quốc gia và Biển Địa Trung Hải.

Từ nhiều năm qua, kế hoạch này từ chỗ vốn chỉ được xem như "chiếc bánh vẽ" và bị "đắp chiếu", nay đang được tái khởi động một cách nghiêm túc, tới mức OPEC đã dành ra khoản ngân quỹ gần 15 triệu USD để thực hiện nghiên cứu khả thi.

Biểu đồ các nước xuất khẩu khí đốt chủ yếu ở châu Phi. Nguồn: Statista

Biểu đồ các nước xuất khẩu khí đốt chủ yếu ở châu Phi. Nguồn: Statista

Bà Mabhena-Olagunju cho biết: “Chúng tôi nhận thấy khối lượng khí được khoan đang gia tăng ở Nigeria và hãng Total đang đưa nhân viên của mình trở lại Mozambique".

Trong khi đó, theo dữ liệu của hai tập đoàn Total và Shell, kết quả điều tra mới đây đã phát hiện tới gần 43 tỷ m3 khí đốt nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam Phi và Namibia.

GS. Anton Eberhard, chuyên gia và cố vấn chính sách năng lượng và đầu tư của Nam Phi cho biết, các nguồn dầu khí ngoài khơi ở phía Bắc biên giới sông Orange với Namibia sẽ được khai thác, và nguồn khí tương tự có thể được phát hiện ở khu vực phía Nam biên giới tại Nam Phi.

“Khi các nước nhập khẩu nhiều dầu khí mất đi nguồn cung từ Nga, họ sẽ chủ động đi tìm nguồn thay thế mới, kể cả ở châu Phi”, GS Anton Eberhard cho biết.

Châu Phi có đủ sức thay thế?

Dù có trữ lượng khổng lồ, nhưng nhiều nhà quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi, liệu châu Phi đã sẵn sàng đóng một vai trò trong mạng lưới sản xuất khí đốt toàn cầu hay chưa?

Theo chuyên gia nghiên cứu Corti Paul Lakuma thuộc bộ phận kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế London, các vấn đề lịch sử sẽ tiếp tục thách thức các nhà sản xuất năng lượng tiềm năng ở lục địa này.

Ông nhận định: “Xung đột địa chính trị, tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng và mức độ sẵn sàng triển khai những hạng mục cần thiết sẽ tiếp tục kìm hãm châu Phi.

“Đúng là châu Phi đang có cơ hội cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng sẽ không dễ thực hiện được trong vòng 5 năm tới. Để có thể thực sự trở thành nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu, tôi cho rằng châu Phi sẽ phải mất đến 20 năm - đây là điều chưa được các bên cân nhắc trong ngắn hạn”, Corti Paul Lakuma đánh giá.

Tổ hợp hóa dầu Algiers ở ngoại ô Baraki, phía đông nam Thủ đô Algeria. Ảnh: AFP

Tổ hợp hóa dầu Algiers ở ngoại ô Baraki, phía đông nam Thủ đô Algeria. Ảnh: AFP

Một số ý kiến cho rằng, trước tình hình hiện nay, các nhà nhập khẩu nên chuyển hướng hoàn toàn từ các nhiên liệu carbon sang sử dụng một loại năng lượng thân thiện với môi trường như khí hydro, năng lượng mặt trời, gió.

Ông Demetrios Papathanasiou, Giám đốc toàn cầu về các biện pháp năng lượng và khai thác thực tiễn tại Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Châu Âu đang xem xét sử dụng khí hydro như một nguồn bổ trợ cấp thiết mới, với các dự án hydrogen đang triển khai ở 12 quốc gia EU. Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án khí hydro được thực hiện”.

Ngoài ra, theo ông Papathanasiou, châu Phi thực sự có cơ hội, nhờ có nguồn dự trữ lớn năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đây là thời điểm thuận lợi để xem xét đầu tư vào công nghệ mới giúp thế giới giảm phát thải carbon, đồng thời cho phép châu Phi sớm bắt đầu phát triển công nghệ này.

Tin bài liên quan