Châu Âu: Vấn đề lớn nhất của kinh tế toàn cầu

Châu Âu: Vấn đề lớn nhất của kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Nền kinh tế thế giới đang không được khỏe. Tin tức từ Mỹ và Anh còn có chút tích cực, nhưng Nhật Bản thì vẫn chưa thoát khỏi cảnh “sống dở, chết dở”, trong khi Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ 2009. 

Rủi ro không thể dự đoán nhiều vô kể, đặc biệt từ dịch bệnh Ebola - đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Tây Phi và gây lo lắng đến tận châu Mỹ. Nhưng mối đe dọa kinh tế lớn nhất lại đến từ lục địa già châu Âu.

Giờ đây, với sự “sẩy chân” của kinh tế Đức, khu vực đồng euro (eurozone) đang lơ lửng bên bờ của đợt suy thoái lần thứ ba trong vòng 6 năm. Lãnh đạo khu vực đã lãng phí 2 năm, vin vào cam kết của ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), rằng Ngân hàng sẽ làm “bất cứ việc gì có thể” để cứu đồng tiền chung. Pháp và Ý lẩn tránh các cải cách cơ cấu, trong khi người Đức nhất quyết đòi thắt lưng buộc bụng. Giá cả đã giảm sút ở 8 quốc gia. Tỷ lệ lạm phát chung toàn khu vực tụt xuống 0,3% và có lẽ sẽ chẳng còn gì vào năm tới. Khu vực đóng góp khoảng 1/5 sản lượng của thế giới đang rơi vào trì trệ và giảm phát.

Giới lạc quan, ở cả trong và ngoài châu Âu, hay lấy ví dụ về trường hợp Nhật Bản. Nước này đã lâm vào giảm phát từ những năm cuối thập kỷ 1990, có khó khăn nhưng không gây hậu quả cho cả Nhật Bản và nền kinh tế thế giới. Nhưng khu vực đồng euro có những rủi ro lớn hơn nhiều. Không giống như Nhật Bản, eurozone không phải là một trường hợp đơn nhất: lạm phát từ Trung Quốc đến Mỹ đều đang thấp một cách đáng ngại và vẫn tiếp tục giảm. Và không như Nhật Bản, nước có một xã hội đồng nhất và bền bỉ, eurozone không thể nắm tay nhau vượt qua kinh tế trì trệ và giảm phát. Khi gánh nặng nợ công bùng phát từ Italia đến Hy Lạp, nhà đầu tư thì sợ hãi, chính trị gia thì cơ hội, mặc đồng euro rơi vào nguy hiểm.

Dù nhiều người châu Âu, đặc biệt là người Đức, bắt đầu cảm thấy lo ngại về lạm phát, nhưng tình trạng giảm giá vẫn có thể trở nên trầm trọng hơn. Nếu người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá giảm, họ sẽ ngừng chi tiêu, và khi cầu giảm, vỡ nợ sẽ tăng lên. Đó là những gì đã xảy ra trong Đại Suy thoái, với những hậu quả đặc biệt thảm khốc ở Đức trong những năm đầu thập kỷ 1930.

Bởi vậy, hầu hết các nước đều đang sợ giảm phát. Trong số 46 nước mà ngân hàng trung ương đặt mục tiêu lạm phát, 30 nước vẫn chưa đạt được. Mặc dù một bộ phận người dân chào đón việc giảm giá, do nó làm tăng thu nhập thực tế của họ, nhưng giá giảm và tiền lương trì trệ là nguồn gốc của cầu yếu trong nền kinh tế và gần 45 triệu công nhân thất nghiệp ở các nước OECD. Giới đầu tư bắt đầu dự đoán lạm phát yếu hơn thậm chí ở các nền kinh tế như Mỹ, nước đang có chỉ số giá tiêu dùng tăng đáng kể. Đáng buồn hơn, lãi suất ngắn hạn đang ở mức gần bằng không tại nhiều nền kinh tế, nên các ngân hàng trung ương không thể cắt giảm thêm để thúc đẩy tiêu dùng. Công cụ duy nhất là nới lỏng định lượng và các hình thức in tiền khác.

Nguy cơ giảm phát toàn cầu là lý do chính đáng để hầu hết ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Đó cũng là một lời nhắc, trong dài hạn, về việc xem xét điều chỉnh mục tiêu lạm phát, theo hướng tăng. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là khu vực đồng euro.

Nền kinh tế của lục địa Âu châu có rất nhiều điểm yếu cốt tử, từ nhân khẩu học khiêm tốn đến gánh nặng nợ và thị trường lao động xơ cứng. Nhưng khu vực này cũng mắc những sai lầm lớn về chính sách. Pháp, Ý và Đức, tất cả đều lảng tránh cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. Eurozone đặc biệt dễ rơi vào giảm phát do Đức khăng khăng với quan điểm thắt lưng buộc bụng quá chặt còn ECB thì rụt rè. Ngay cả lúc này, khi các nền kinh tế đang suy thoái, Đức vẫn ám ảnh tất cả các chính phủ bằng mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách, trong khi quan điểm chống lại nới lỏng tiền tệ có nghĩa là ECB, với sự thất vọng rõ rệt của ông Draghi, đã làm ít hơn rất nhiều so với các ngân hàng trung ương lớn khác.

Nếu có một lô-gíc cho trường phái “từ từ” này thì nó cũng đã hết thời. Khi ngân sách thu hẹp và ECB vất vả thuyết phục mọi người rằng Ngân hàng có thể ngăn được giá giảm, giảm phát dường như chắc chắn sẽ xảy ra. Những dấu hiệu chán nản đã bắt đầu xuất hiện trên cả các thị trường và giới chính trị gia. Lợi suất trái phiếu ở Hy Lạp đã tăng mạnh trở lại.

Nếu muốn nền kinh tế của mình không trở nên xấu hơn, châu Âu sẽ phải ngừng hành xử theo cách tự hủy hoại mình. ECB cần bắt đầu mua trái phiếu công. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, nên cho phép Pháp và Ý thư lại việc cắt giảm chi tiêu; đến lượt các nước này cần đẩy mạnh tái cơ cấu. Đức, nước có thể đi vay ở mức lãi suất thực tế âm, có thể chi tiêu nhiều hơn cho xây dựng kết cấu hạ tầng của nước mình.    

Tin bài liên quan