Đường phố tại Quận 13, Paris vắng vẻ khi Pháp áp dụng lệnh phong tỏa để chặn dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Đường phố tại Quận 13, Paris vắng vẻ khi Pháp áp dụng lệnh phong tỏa để chặn dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Châu Âu từng bước thận trọng gỡ bỏ lệnh phong tỏa

Italy, Áo và Đan Mạch là những quốc gia đầu tiên tại châu Âu gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa nhằm chặn dịch Covid-19 lây lan áp dụng trước đó.

Từng bước nới lỏng các biện pháp

Việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa, các biện pháp hạn chế sẽ được tiến hành từng bước. Theo đó, các nhà máy được khuyến cáo trở lại hoạt động ổn định, sau đó là các nhà hàng và quán bar tiếp tục mở cửa trở lại và người dân có thể đi đến các địa điểm công cộng.

Sau đợt bùng phát diện rộng vừa qua, làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 đang được các nước theo dõi chặt chẽ với hy vọng số ca lây nhiễm không nhiều. Chính phủ các nước châu Âu vẫn đang áp dụng rộng rãi các biện pháp chống dịch, từ yêu cầu người dân đeo khẩu trang, xét nghiệm y tế trên quy mô lớn, đến sử dụng các ứng dụng điện thoại di động để hỗ trợ các bệnh viện xác định thông tin và các mối quan hệ của bệnh nhân Covid-19.

Italy chiến đấu với dịch Covid-19 ròng rã từ cuối tháng 2 và là quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Quốc gia này sẽ là một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm môi trường sống sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Tạp chí Phố Wall dẫn lời các cố vấn khoa học của chính quyền Rome cho rằng, một số nhà máy buộc phải đóng cửa trước đó, dự kiến sẽ được bật đèn xanh để kích hoạt sản xuất trong tuần tới. Nhưng, Italy sẽ mở cửa nền kinh tế theo từng bước. Có thể phải đến tháng sau người dân Italy mới được tự do ra khỏi nhà. Thậm chí sau đó, nhiều biện pháp hạn chế khác vẫn được áp dụng và chính quyền Rome đang bàn thảo chi tiết về vấn đề này.

“Đối với làn sóng dịch bệnh thứ 2, đây là giai đoạn mà chúng ta sẽ phải học cách sống chung với Covid-19 vì nó chưa biến mất”, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Keith Speranza nhận định. “Chúng ta phải tính toán lại về cách thức tổ chức cuộc sống của người dân, sản xuất và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng để thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Việc này sẽ được làm từng bước”, Bộ trưởng Speranza nói thêm.

Đầu tuần này, Áo trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên công bố bản đồ chi dẫn các tuyến đường được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các biện pháp hạn chế khác sẽ được Áo nới lỏng từ ngày 14/4 và các cửa hàng ở những quy mô nhất định sẽ được phép mở lại.

Sớm hành động đối phó với Covid-19 nên Cộng hòa Séc cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại từ hôm nay 9/4. Trong khi đó, Đan Mạch cho biết sẽ cho phép các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trở lại sau Lễ Phục sinh. “Đây có lẽ là bước đi chặt chẽ. Chúng ta phải thực hiện từng bước thận trọng tại từng thời điểm”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói.

Còn Na Uy sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 20/4. “Chúng ta cùng nhau kiểm soát dịch Covid-19 và vì vậy chúng tôi sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội”, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg khẳng định.

Việc Áo và nhiều nước châu Âu khác có động thái mở cửa nền kinh tế và gỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa đang tạo sức ép lên các nhà lãnh đạo EU, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, buộc họ phải đưa ra lộ trình gỡ bỏ lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đối với nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo đầu tuần này, bà Merkel khẳng định Đức vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng các biện pháp. Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia kinh tế Đức vẫn thảo luận rộng rãi về cách thức và thời điểm kích hoạt lại nền kinh tế Đức. Cố vấn kinh tế cho chính phủ Đức Christoph M. Schmidt cho hay: “Chúng tôi phải tiến hành quá trình bình thường một cách thận trọng trong những tuần và tháng tới”.

Đối phó làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2

Làm thế nào để tránh làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 đang là mối bận tâm lớn trên khắp châu Âu. Italy đang lên kế hoạch tăng cường năng lực xét nghiệm và đội ngũ y tế trên cả nước, đồng thời tiến hành xét nghiệm cả những người có triệu chứng nhẹ và cách ly nếu cần thiết.

Ngoài ra, Italy cũng lên kế hoạch sử dụng các ứng dụng điện thoại di động để xác định các mối quan hệ gần gũi của bệnh nhân Covid-19 và chia sẻ thông tin các mối quan hệ đó với các cơ quan y tế địa phương.

Một số nhà virus học tại Italy đang ủng hộ phương án xét nghiệm kháng thể trên diện rộng để xét nghiệm cả những người không có triệu chứng, nhằm giúp các doanh nghiệp an tâm trở lại hoạt động. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang được chính phủ Italy xem xét.

Nhiều chính trị gia Italy đề nghị chỉ nên cho phép những người có kháng thể chống Covid-19 trở lại làm việc trước, trong khi một số khác đề xuất chỉ cho phép những lao động ở độ tuổi nhất định quay lại làm việc.

Hiện xuất hiện những ca mắc Covid-19 mới ở một số quốc gia mà trước đó đã “thuần hóa” thành công virus này, trong đó có Singapore. Thực tế này cho thấy việc ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 trở nên rất khó khăn cho đến khi vaccine hữu hiệu được điều chế thành công và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc này sẽ cần thêm thời gian.

Việc Italy áp dụng các biện pháp phong tỏa thời gian qua đã giúp hạn chế các ca nhiễm mới. Số ca tử vong hàng ngày do Covid-19 tại nước này có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao với 604 người chết vào hôm 7/4, nâng tổng số ca tử vong lên 17.127 người.

Các nhà dịch tễ học cảnh báo Italy khó có thể sớm đưa số ca nhiễm Covid-19 về 0, đồng thời cho rằng việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.

“Chúng ta phải luôn nhớ rằng, dù số ca mắc mới có giảm, nhưng Covid-19 vẫn còn trong cộng đồng”, Giovanni Rezza, chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Viện Y tế Quốc gia Italy nhận định. “Chúng ta sẽ phải chiến đấu với dịch bệnh trong thời gian dài. Đây mới là trận chiến đầu tiên mà chúng ta đối mặt và gặt hái được thành công nhất định”, Rezza  lưu ý.

Tin bài liên quan