Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: DW).
Thành phố Stuttgart thuộc bang Baden-Württemberg, Tây Nam nước Đức đã bị xếp vào danh sách khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi tỷ lệ lây nhiễm ở thành phố này vượt mức 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua, buộc chính quyền thành phố phải siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát mới.
Thông báo chính thức của chính quyền thành phố cho biết tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới tại thủ phủ Stuttgart trong ngày 10/10 đã tăng lên mức 50,5 ca trên 100.000 dân, vượt mức giới hạn 50 ca/100.000 dân/tuần. Các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy thành phố với hơn 600.000 dân này, trong 24 giờ qua đã ghi nhận 82 ca nhiễm mới COVID-19.
Trước tình hình số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, chính quyền thành phố Stuttgart cho biết sẽ buộc phải áp đặt thêm nhiều biện pháp kiểm soát mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo đó, ngoài việc cấm các cuộc tụ tập riêng tư với hơn 25 người trong thành phố, các biện pháp mới sẽ bao gồm quy định hạn chế đồ uống có cồn, bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và giới hạn thời gian mở cửa và hoạt động đối với các nhà hàng, quán bar, quán rượu. Chính quyền thành phố cũng khuyến khích người dân làm việc tại nhà.
Stuttgart là thành phố mới nhất của Đức được đưa vào danh sách khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 sau 3 thành phố Köln, thủ đô Berlin và Frankfurt.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới trên toàn nước Đức vẫn tiếp tục tăng đáng lo ngại. Trong ngày 10/10, Đức đã ghi nhận 4.721 ca nhiễm mới, vượt mốc 4.000 ca trong ngày thứ ba liên tiếp.
Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Séc cũng thông báo sẽ siết chặt các biện pháp chống dịch nhằm hạn chế tốc độ lây lan dịch bệnh khiến số người phải nhập viện tăng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Séc Alena Schillerova khẳng định sẽ tìm kiếm giải pháp để tránh không phải áp đặt biện pháp cách ly, như từng thực hiện đầu năm nay.
Quốc gia 10,7 triệu dân này đã ghi nhận tỷ lệ gia tăng số mắc mới COVID-19 trên đầu người cao nhất châu Âu sau khi nhà chức trách nới lỏng hầu hết các hạn chế. Theo bà Alena Schillerova, Chính phủ Séc không muốn đóng cửa nền kinh tế mà muốn có các biện pháp trọng tâm hơn, theo đó, sẽ hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người.
Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10 này, Séc đã ghi nhận hơn 43.000 ca mắc COVID-19, bằng tổng số ca mắc trong cả tháng 9 và số người phải nhập viện cũng tăng 76% lên 2.085 ca trong tuần qua.
Cùng với nguy cơ các bệnh viện có thể quá tải trong những ngày tới, Viện Đại học Y của Séc cảnh báo số bác sỹ và nhân viên y tế mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh tại nước này.
Trong khi đó, các chuyên gia dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm cảnh báo Anh đang ở "đỉnh điểm" của cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 và nước này phải hành động ngay lập tức để có thể ngăn chặn lặp lại "kịch bản xấu" như hồi tháng 3 vừa qua.
Với số ca mắc mới tăng nhanh, đặc biệt là tại miền Bắc England, đồng thời tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang chuyển từ những nhóm đối tượng thanh niên sang những người già hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Chính phủ Anh đang cân nhắc đưa ra một loạt quy định chống dịch mới, bao gồm cả việc trao nhiều quyền hơn cho các lãnh đạo địa phương nhằm theo dõi và truy vết những ca nhiễm mới.
Ngoài ra, chính quyền cũng kêu gọi người dân thực hiện những quy định như rửa tay, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc xã hội.
Từng là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, Anh hiện đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại kể từ khi chính phủ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và mở lại trường học.
Để cân bằng giữa việc chống dịch và hoạt động kinh tế, chính phủ đã thông qua một chiến lược thực hiện cách ly theo vùng nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên, một số quan điểm chỉ trích cho rằng có ít bằng chứng cho thấy hình thức cách ly kiểu này mang lại hiệu quả.