Đó là khuyến nghị được các chuyên gia từ châu Âu đưa ra tại Hội thảo về các quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 16/11.
TS. Jan Nylund, chuyên gia hóa chất từ Công ty TNHH Chemetors (Phần Lan) cho biết, quy định REACH liên quan đến các hóa chất, hợp chất và các vật phẩm, được ban hành có hiệu lực từ 1/6/2007 để thay thế cho 40 luật về hóa chất ở EU.
Theo quy định tại REACH, các chất được nhập khẩu vào châu Âu với số lượng 1 tấn/năm hoặc nhiều hơn sẽ phải đăng ký. Quy định này chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2018 và liên quan trực tiếp đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nội thất, dệt may, giày dép, đồ chơi, nhựa, điện tử, các mặt hàng hóa chất.
Với tác động rộng như vậy, quy định này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong các lĩnh vực này.
“Các sản phẩm hàng hóa chứa chất Phthalate, Cadimi và Amiăng là những loại đứng đầu trong danh mục cấm theo quy định REACH của EU. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này cần đặc biệt lưu ý. Bên cạnh đó, đối với các các sản phẩm xuất khẩu có chứa hóa chất, nhất là hóa chất nằm trong Danh mục hóa chất có mức độ quan ngại cao (SVHC), có hàm lượng từ 1 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm và chiếm tỷ trọng 0,1% trọng lượng hàng hóa thì doanh nghiệp cần thông báo đến Cơ quan Hóa chất châu Âu để tránh rủi bị từ chối khi thông quan”, TS. Jan Nylund khuyến cáo.
Diễn giả chia sẻ về REACH tại buổi hội thảo
Theo ông Jani Määttä, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chementors, quy định REACH được đánh giá là luật nghiêm ngặt nhất về hóa chất trên thế giới cho đến nay. Do đó, việc trang bị cho doanh nghiệp kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ nhất về quy định REACH là điều vô cùng cần thiết đối với tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bởi quy định phức tạp này có tác động đến hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
“Doanh nghiệp Việt Nam hết sức cần lưu ý việc đăng ký với lượng lớn thông tin về các thành phần gây hại của các chất cũng như kiến thức chi tiết về cách sử dụng các chất là cần thiết. Nếu cơ quan hành pháp cùng với bên Hải quan tìm ra những chất bị hạn chế trong các vật phẩm mà chưa được khai báo hoặc chưa được đăng ký, họ sẽ loại bỏ hàng hóa đó ra khỏi thị trường châu Âu và doanh nghiệp có thể bị phạt hoặc bị đưa ra tòa”, ông Jani Määttä cảnh báo.
Trong số các ngành chịu tác động thì dệt may và giày dép là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Để chủ động ứng phó với những thay đổi và tuân thủ cá quy định của luật tránh gây ảnh hưởng thiệt hại đến xuất khẩu, các chuyên gia EU khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm được nguồn gốc đầu vào.
Thành phần nguyên liệu phải được kiểm tra và không nằm trong danh sách những chất có mối quan ngại cao, danh sách các chất hạn chế và các chất bị cấm.
Ngoài ngành da giày, in nhuộm, thì các nhà sản xuất Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến những hóa chất hoặc nguyên vật liệu trong các vật phẩm được sản xuất cũng như cách xử lý chúng, ví dụ sơn tường, lớp chống nước. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần nâng cấp hệ thống quản lý hóa chất trong sản phẩm của mình, đồng thời chủ động nghiên cứu và tham vấn kỹ lưỡng các quy định để nắm vững các yêu cầu mà REACH đưa ra.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI đặc biệt lưu ý, hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa xác định được liệu sản phẩm của họ có được xuất vào EU không.
“Do đó, cần công bố rộng rãi các quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng nhập khẩu vào EU và thủ tục thực hiện quy định REACH để các doanh nghiệp nắm bắt và có giải pháp tuân thủ chặt chẽ nhằm đảm bảo không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những quy định tại luật mới”, ông Phòng nhấn mạnh.