Du khách Nga nhập cảnh qua cửa khẩu Phần Lan. Ảnh: The Guardian.

Du khách Nga nhập cảnh qua cửa khẩu Phần Lan. Ảnh: The Guardian.

Châu Âu siết chặt thị thực đối với công dân Nga

0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc họp 2 ngày vừa diễn ra, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) liên tục tranh cãi và chia rẽ về việc hạn chế - thậm chí cấm thị thực hoàn toàn đối với công dân Nga.

Trong khi một số nước trong đó có Cộng hòa Séc hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, đã bày tỏ ủng hộ thì nhiều nước khác như Đức, Pháp, Áo, Hungary... đã lên tiếng phản đối các đề xuất này, cho rằng sẽ gây ra những tác dụng ngược.

Quyết định cuối cùng của các Ngoại trưởng EU

Theo quyết định được Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua sau 2 ngày họp tại thủ đô Prague của CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu – EU sẽ đình chỉ Thoả thuận 2007 về nới lỏng thị thực cho công dân Nga, nhưng không cấm hoàn toàn.

Theo Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Josep Borrell, sau 2 ngày họp, các Ngoại trưởng EU đã đi đến kết luận rằng quan hệ giữa EU và Nga hiện không thể diễn ra bình thường như trước kia nên EU bắt buộc phải đình chỉ toàn bộ Thoả thuận 2007.

Theo ông Josep Borrell, việc đình chỉ Thoả thuận nới lỏng thị thực 2007 sẽ khiến cho các công dân Nga giờ đây sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và phải chờ đợi nhiều hơn mới có được thị thực nhập cảnh vào các nước châu Âu và khi đó số lượng công dân Nga sang châu Âu sẽ giảm đáng kể.

Các số liệu do Cơ quan kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu - Frontex công bố cho thấy, kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine cuối tháng 02/2022, đã có khoảng 1 triệu công dân Nga làm thủ tục nhập cảnh vào Liên minh châu Âu qua các cửa khẩu đường bộ giữa Nga với một số quốc gia thuộc EU như Phần Lan hay Estonia. Uỷ ban châu Âu cho biết, con số này đã gia tăng mạnh kể từ giữa tháng 07/2022 và nhiều công dân Nga tiếp tục đi du lịch, nghỉ dưỡng và mua sắm bình thường tại các nước châu Âu.

Uỷ ban châu Âu đánh giá thực tế này tạo ra một số nguy cơ an ninh với các nước EU và là điều không chấp nhận được trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng.

Tuy nhiên, việc các Ngoại trưởng EU chỉ ra quyết định đình chỉ Thoả thuận nới lỏng thị thực 2007 chứ không toàn bộ thị thực đối với du khách Nga cho thấy, sự chia rẽ trong nội bộ EU về vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Trước cuộc họp tại Prague, hai cường quốc đầu tàu của EU là Đức-Pháp đã ra thông cáo chung phản đối việc cấm toàn bộ thị thực với công dân Nga trong khi các nước Đông Âu và Baltic muốn có một lệnh cấm toàn bộ thị thực với công dân Nga trên toàn bộ lãnh thổ các nước EU.

Quyết định của Hội nghị tại Prague cho thấy quan điểm của Đức-Pháp đang thắng thế. Tuy nhiên, EU cũng có động thái nhân nhượng các nước Đông Âu và Baltic khi ra tuyên bố cho biết các nước lân cận với Nga có quyền áp dụng các biện pháp riêng ở quy mô quốc gia nhằm hạn chế việc nhập cảnh của công dân Nga vào Liên minh châu Âu.

Ngay sau đó, 4 nước là Ba Lan và 3 quốc gia Baltic đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước này sẽ áp dụng các biện pháp tạm thời cấm toàn bộ công dân Nga nhập cảnh vào các nước này kể cả khi có thị thực Schengen, trừ một số trường hợp ngoại lệ áp dụng với các nhân vật bất đồng chính kiến tại Nga hay vì lí do nhân đạo.

Hậu quả tiêu cực của lệnh cấm thị thực với toàn bộ công dân Nga

Trước mắt, quyết định được các Ngoại trưởng EU đưa ra tại Prague chỉ là một quyết định chưa chính thức và chưa có hiệu lực. Uỷ ban châu Âu cần phải biến quyết định này thành một văn bản luật thì khi đó việc đình chỉ Thoả thuận nới lỏng thị thực 2007 với Nga mới được thực thi.

Có thể dự báo là với việc đình chỉ Thoả thuận nới lỏng thị thực 2007, các công dân Nga sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xin thị thực Schengen, sẽ đòi hỏi nhiều thủ tục hơn, mất nhiều thời gian hơn và lệ phí cũng đắt hơn, hiện nay là khoảng 35 euro/thị thực nhưng sắp tới có thể lên tới 80 euro/thị thực.

Ngoài ra, các nước EU cũng sẽ cắt giảm một số lượng lớn thị thực cấp cho công dân Nga, có thể chỉ còn ở mức 1/3-1/5, thậm chí như Phần Lan đã cắt giảm chỉ còn khoảng 1/10 so với trước kia.

Đây có thể sẽ là một tổn hại đối với các công dân Nga có mong muốn đi du lịch, học tập, thăm người thân tại các nước EU. Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, phía châu Âu cũng phải hứng chịu các tổn thất. Tổn thất đầu tiên là về mặt kinh tế. Khách du lịch Nga là một trong những nguồn khách lớn hàng đầu tại các nước châu Âu. Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, hàng triệu du khách Nga đi du lịch, mua sắm, nghỉ dưỡng tại các nước châu Âu mỗi năm.

Số liệu vào năm 2019, trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, cho thấy các nước EU cấp đến hơn 4 triệu thị thực cho công dân Nga. Đối với rất nhiều nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Nam Âu như đảo Síp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, các du khách Nga là một nguồn thu rất lớn bởi du khách Nga nổi tiếng là chi tiêu nhiều trong các đợt du lịch.

Tại đảo Síp, miền Nam Italy, Tây Ban Nha hay Pháp, có nhiều ngôi làng và thị trấn được xem như một nước Nga thu nhỏ bởi lượng công dân Nga chiếm số lượng áp đảo. Vì thế, nếu cấm thị thực với toàn bộ các công dân Nga, nhiều nước EU sẽ mất đi một nguồn thu lớn từ du lịch. Đó là lí do các nước như Italy, Bồ Đào Nha… phản đối ý định này.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, như lập luận của Đức-Pháp trong thông cáo chung phản đối việc cấm toàn bộ thị thực với công dân Nga, đó là một lệnh cấm như thế sẽ cắt đứt toàn bộ các mối liên hệ, trao đổi giữa con người với con người ở cả hai phía và sẽ chỉ càng khiến cho người dân Nga cảm nhận rõ hơn sự thù địch và bài Nga từ phía châu Âu, qua đó sẽ càng ủng hộ mạnh mẽ hơn các hành động của chính quyền Nga.

Một số nhà phân tích chính trị tại châu Âu nhận định, hiện tại tỷ lệ ủng hộ trong dân chúng Nga đối với chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine vẫn đang ở mức rất cao, từ 70-80%, nên nếu châu Âu gia tăng các hành động thù địch với người dân thường Nga, tỷ lệ này sẽ càng cao hơn và khiến người Nga đoàn kết hơn trong cuộc xung đột hiện nay với Ukraine.

Quan điểm được Đức-Pháp đưa ra là châu Âu cần nuôi dưỡng các lực lượng chống đối với chính quyền Nga và do đó, không thể cấm toàn bộ thị thực với công dân Nga.

Những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ EU

CH Séc hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu cho nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm 2022. Vị trí này phần nào cho phép CH Séc sắp xếp nghị trình thảo luận các vấn đề của Liên minh châu Âu dựa trên các ưu tiên của mình và qua những gì đã thể hiện trong gần 2 tháng qua thì có thể thấy, CH Séc đã làm đúng như tuyên bố khi nhậm chức, đó là coi xung đột Nga-Ukraine là mục đích hành động lớn nhất trong thời gian giữ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, từ việc huy động các nguồn lực của châu Âu để trợ giúp Ukraine về chính trị-ngoại giao-quân sự cho đến việc tái thiết Ukraine.

Vì thế, thời gian tới chính phủ CH Séc và một số nước như Ba Lan, Slovakia hay 3 quốc gia Baltic chắc chắn sẽ tiếp tục tìm mọi cách để gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ giới hạn ở các lệnh trừng phạt một chiều mà EU áp đặt với Nga mà còn có khía cạnh tác động ngược lại của các trừng phạt này và của cuộc xung đột này đối với châu Âu. Các số liệu kinh tế hiện tại không hề khả quan với châu Âu. Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone đã tiệm cận mức 10% và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, khi giá điện và khí đốt tăng gấp chục lần so với trước kia, chưa có lời giải và ngay ở thời điểm hiện tại, Nga đang tạm ngưng toàn bộ việc cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 1”.

Do đó, các ưu tiên hành động của châu Âu trong những tháng tới không chỉ đơn giản là trợ giúp Ukraine mà có lẽ quan trọng hơn, khi mùa Đông đang đến gần, còn là việc châu Âu phải ứng phó ra sao với các tác động ngày càng lan rộng của xung đột Nga-Ukraine, của mối quan hệ đối đầu ngày càng căng thẳng với Nga.

CH Séc nằm trong nhóm nước Đông Âu-Baltic theo đuổi đường lối đối đầu quyết liệt, muốn chống Nga đến cùng nhưng không phải tất cả các nước EU đều ủng hộ cách tiếp cận cực đoan này. Đức-Pháp là những nước có cái nhìn bao quát hơn trong cách tiếp cận với Nga hiện tại và tầm nhìn về quan hệ với Nga trong tương lai, trong khi một số nước như Hungary hay các nước Nam Âu (Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp) lại theo đuổi cách tiếp cận thực dụng hơn nhiều trong quan hệ với Nga.

Vì thế, chắc chắn trong thời gian CH Séc làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, mâu thuẫn và rạn nứt trong nội bộ EU về cách ứng phó với Nga sẽ tiếp tục hiện diện. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu không mang lại một quyền lực đặc biệt nào cho quốc gia nắm giữ vị trí đó và khả năng tạo ảnh hưởng của quốc gia nắm vị trí này trong 6 tháng phụ thuộc hoàn toàn vào tiềm lực của quốc gia đó. CH Séc không đủ tiềm lực để áp đặt các ưu tiên của nước này với phần còn lại của EU.

Tin bài liên quan