Tội ác kinh khủng này có nguy cơ biến một cuộc xung đột khu vực thành khủng hoảng toàn cầu. Giới hoạch định chính sách nên chuẩn bị cho tình huống này.
Những biện pháp trừng phạt mang tính “giễu cợt” của phương Tây đối với Nga đã có tác động lớn hơn nhiều so với những gì một số báo viết. Nhà đầu tư nước ngoài bất chợt nhìn ra rủi ro ở nơi mà trước kia họ không thấy. Các giấy phép hoạt động đã được đình lại - như đối với trường hợp Gazprom gần đây xin sử dụng phần năng lực còn dư trong hệ thống ống dẫn khí của Đức. Sự không chắc chắn đang tác động đến mức định giá của thị trường và các ảnh hưởng gián tiếp trở thành trực tiếp.
Việc Nga thôn tính Crimea và phản ứng toàn cầu với sự kiện này đã đẩy kinh tế Nga đến bờ suy thoái. Chúng ta không biết chắc chắn điều đó ảnh hưởng đến sự phục hồi vốn yếu ớt của kinh tế khu vực đồng euro như thế nào. Nhưng kinh tế Đức đã yếu đi ngay khi xung đột leo thang. Đây không phải là sự ngẫu nhiên.
Đầu tuần trước, chính quyền Mỹ đã áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất, tính đến nay, dành cho Nga. Hai ngân hàng Nga, công ty sản xuất khí đốt Rosneft, một công ty dầu lửa khác và một vài nhà thầu thiết bị quốc phòng, tất cả đã bị cắt những hoạt động quan trọng trên các thị trường vốn của Mỹ. Trong một hệ thống toàn cầu dựa trên đồng USD, các biện pháp trừng phạt về mặt tài chính là rất có uy lực. Luật pháp Mỹ không được áp dụng trực tiếp ở các nước thứ ba. Nhưng bất kỳ công ty hay quốc gia nào huy động vốn bằng đồng USD cũng thường xuyên là đối tượng gián tiếp của luật pháp Mỹ, do một phần trong chuỗi giao dịch tài chính phải thông qua hệ thống tài chính nước này. Đây chính là cách mà Mỹ đã sử dụng để tác động đến Argentina liên quan đến tình trạng vỡ nợ công của nước này. Đồng USD tự nó đã có sức mạnh để tiến hành các biện pháp trừng phạt tài chính.
EU thì chưa làm như vậy. Vào ngày mà Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhất của mình, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định đóng cửa hoạt động cho vay Nga từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu - một động thái mang tính tượng trưng là chính. Nhưng EU đã và đang cố gắng làm nhiều hơn. EC cũng đã yêu cầu Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu ngừng cho vay Moscow.
Các quốc gia thành viên châu Âu có những lợi ích khác nhau. Chẳng hạn, Đức và Italia có mối quan hệ khá sâu sắc và các liên kết thương mại với Nga. Không ai muốn góp phần đẩy cuộc khủng hoảng leo thang, nhưng sự chia sẻ và đoàn kết với Hà Lan (nước có số công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay MH17 nhiều nhất) là rất mạnh mẽ. Cùng với nhiều nạn nhân người Hà Lan, Malaysia, Australia và Indonesia, cũng có những công dân Anh, Đức và Bỉ thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh. Điều đó có thể sẽ giúp thắt chặt sự đoàn kết ở châu Âu.
Nếu máy bay MH17 được khẳng định là bị bắn rơi - hoặc thậm chí là tai nạn - bởi các phần tử ly khai ủng hộ Nga, EU sẽ cần cứng rắn trong phản ứng của mình. Liên minh này cần áp dụng những biện pháp trừng phạt tài chính mạnh nhất có thể. Đồng euro và đồng Bảng Anh là những đồng tiền tài trợ quan trọng đối với các công ty của Nga. Thành phố London là một thị trường tài chính mà qua đó, giới nhà giàu Nga vẫn chuyển tiền của họ đến. Điều đó nên được dừng ngay lập tức.
Ngoài ra, EU cũng có thể xem xét một lệnh cấm nhập khẩu năng lượng - lĩnh vực nhạy cảm nhất. Liên minh này nên triển khai một chiến lược an ninh năng lượng để có thể độc lập với nguồn cung từ Nga trong trường hợp khẩn cấp.
Dĩ nhiên, có thể có những lý do khác cho thảm họa xảy ra hôm thứ Năm tuần trước. Nhưng không gì có thể an ủi. Với bất kỳ thuyết âm mưu đáng tin nhất nào, nó cũng rất khó giải thích lọt tai việc thảm họa đó “vô can” cả về chính trị và kinh tế.
Ảnh hưởng kinh tế toàn cầu rõ ràng từ tất cả những điều này là khó dự đoán. Nhưng với những gì được chứng kiến đến nay, không ngoại trừ khả năng sẽ phải đối diện với một cú sốc kinh tế toàn cầu.
Và eurozone có thể sẽ bị ảnh hưởng một cách trực tiếp, nhưng các nhà hoạch định chính sách châu Âu chưa bao giờ tự đặt mình vào một vị thế, mà ở đó, họ không thể phản ứng về mặt chính trị bởi các lý do kinh tế.