Hàng viện trợ y tế của Trung Quốc tại Italia (Ảnh: Thời báo Hoàn cầu).
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng ngày 30/4 dẫn một nghiên cứu mới, dựa trên việc phân tích vai trò của Trung Quốc trong cách ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 tại 19 quốc gia châu Âu, cho thấy châu lục này cơ bản vẫn rất chia rẽ về cách ứng xử với Bắc Kinh và chủ đề này ngày càng trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận công khai về chính sách tại nhiều nước.
Tổng cộng 28 chuyên gia từ 21 tổ chức nghiên cứu chính sách trên khắp châu Âu, được biết tới với tên gọi Mạng lưới tổ chức nghiên cứu châu Âu về Trung Quốc, đã tham gia cuộc nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh xảy ra một vụ việc ngoại giao trong tuần qua, trong đó Liên minh châu Âu được cho là đã phải dịu giọng trước sức ép của Bắc Kinh.
EU được cho là đã "giảm tông" một báo cáo về các chiến thuật Trung Quốc nhằm làm chệch hướng sự đổi lỗi của thế giới đối với nước này đối với đại dịch Covid-19.
Mặc dù một phát ngôn viên EU bác bỏ các thông tin trên nhưng vụ việc một lần nữa cho thấy các sức ép mà Trung Quốc gây ra đối với các quốc gia châu Âu trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - EU, vốn chủ yếu là về thương mại, đã chuyển biến ngày càng phức tạp và cạnh tranh sau khi Ủy ban châu Âu lần đầu tiên xem Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống”.
“Các cuộc tranh luận về sự cần thiết phải có chiến lược rõ ràng hơn với Trung Quốc đã nổi lên khắp châu Âu. Trong nhiều cách, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã trở thành chất xúc tác cho một loạt các xu hướng đã và đang định hình quan hệ châu Âu - Trung Quốc trong những năm gần đây, và trong những cách khác cũng làm đảo ngược tình thế”, John Seaman, người biên tập báo cáo và là nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế Pháp, nhận định.
Nhiều nước châu Âu ủng hộ điều tra về đại dịch Covid-19
Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh và Thụy Điển, đã ủng hộ Mỹ và Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế nhằm vào cách xử lý của Trung Quốc đối với đại dịch.
Các nhà lãnh đạo từ Đức và Pháp cũng hối thúc Bắc Kinh minh bạch hơn nữa về nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19.
Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu châu Âu cũng tập trung vào chính sách ngoại giao Covid-19 mạnh mẽ khác thường của Trung Quốc, khi các đại sứ quán và đại sứ Trung Quốc nhanh chóng đổ lỗi cho các nền dân chủ phương Tây và thúc đẩy các thông điệp của Bắc Kinh với “các cấp độ giáo điều, chia rẽ và tiết chế khác nhau” trên mạng xã hội Twitter và các phương tiện truyền thông truyền thống.
“Mặc dù chính sách ngoại giao công khai ngày càng chủ động của Trung Quốc đã diễn ra phổ biến nhưng dường như có một mức độ nhất quán tương đối trong việc truyền đi các thông điệp, có sự đa dạng trong phương thức từ mức nhẹ (tại Latvia hay Romania) tới “tấn công quyến rũ” (Ba Lan, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha) cho đến hung hăng hay khiêu khích (Thụy Điển, Đức hay Pháp)”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng xem xét sự viện trợ y tế và khẩu trang mà Trung Quốc quảng bá rộng rãi và nhận thấy có sự liên hệ giữa các công ty Trung Quốc với các lợi ích thương mại tại các quốc gia và các khoản tài trợ từ các công ty này tại các quốc gia trong đó có Hy Lạp, Hungary, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Nhiều quốc gia đã chống lại chính sách ngoại giao vươn vòi của Trung Quốc và giọng điệu của nước này, vốn ca ngợi thành công trong việc xử lý dịch, phớt lờ những thất bại của Bắc Kinh trong xử lý ban đầu, trong khi cũng gieo rắc hoài nghi về tính hiệu quả của các nền dân chủ tự do.
Châu Âu siết chặt kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc
Trong khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cảnh báo về cuộc chơi địa chính trị của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng thông qua “chiến lược hào phóng”, các quốc gia như Đức và Thụy Điển đã bắt đầu thắt chặt việc kiểm tra đầu tư, các chính sách công nghiệp và 5G nhằm vào các công ty Trung Quốc.
Đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc tại châu Âu Zhang Ming hồi tuần trước đã bác bỏ các lo ngại về cáo buộc mưu đồ của Bắc Kinh nhằm lợi dụng tình hình khó khăn của các quốc gia khác để thúc đẩy các lợi ích địa chính trị, như với tập đoàn Huawei và sáng kiến Vành đai, con đường đầy tham vọng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, các hành động của Trung Quốc đối với châu Âu trong các thời điểm khủng hoảng dường như nhằm kích động các rạn nứt trên khắp châu lục và gây ra nhiều cuộc tranh luận về sự cần thiết phải có một chiến lược rõ ràng của EU đối với Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò đối với 12.000 người trên khắp 28 quốc gia thành viên của EU do viện nghiên cứu Bertelsmann Stiftung của Đức hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy 45% số người được hỏi xem Trung Quốc là đối thủ, trong khi chỉ có 9% tin rằng quốc gia của họ chia sẻ các lợi ích chính trị hay các gia trị với Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò khác tại 16 quốc gia châu Âu do trung tâm nghiên cứu Pew công bố hồi năm ngoái cho thấy châu lục này vẫn rất chia rẽ về cách thức quan hệ với Bắc Kinh.
Trong khi hầu hết các quốc gia ở tây Âu và một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, như Slovak và Czech, có cái nhìn tiêu cực với Trung Quốc thì một số quốc gia như Hy Lạp, Nga, Ukraine, Ba Lan, Bulgaria và Lithuania có cái nhìn thiện cảm hơn với Bắc Kinh.