Châu Âu đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Ảnh: Shutterstock

Châu Âu đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Ảnh: Shutterstock

Châu Âu đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tháng 8 của Đài quan sát hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU-GDO) cho biết, châu Âu đang phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua, với 17% diện tích toàn khu vực nằm trong danh mục báo động đỏ về hạn hán.

Tại Italy, thời tiết cực đoan khiến ngành nông nghiệp đứng trước nguy cơ mất ít nhất 1/3 tổng sản lượng trong năm nay, dự báo các vườn nho và oliu tại miền Trung Italy sẽ mất 20% sản lượng trong khi chất lượng cũng kém hơn. Còn tại Hungary thiệt hại về nông nghiệp từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước cộng lại.

Trong khi đó tại Slovenia, giới chức cho biết, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu sẽ bị mất mùa hoàn toàn, chăn nuôi gia súc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiều nơi lượng cỏ đã bị giảm ít nhất 70%, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với áp lực chi phí vận tải và phân bón ngày một gia tăng.

Hạn hán cũng khiến mực nước các con sông của châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Theo thống kê, nguồn của sông Thames ở Anh đã dịch chuyển 8km về phía hạ lưu.

Sông Rhine, con đường trung tâm của các tuyến đường thủy châu Âu, được các chuyên gia dự đoán là tàu bè sẽ không thể đi lại trong những ngày tới. Nếu điều này xảy ra, có thể gây thiệt hại hàng tỷ euro cho Đức, khi nước này đã thiệt hại hơn 5 tỉ euro trong năm 2018. Thiếu nước cũng buộc các nhà máy điện hạt nhân của Pháp phải giảm công suất, từ đó đẩy giá điện lên mức cao hơn nữa và tác động đến hàng loạt mặt khác của ngành sản xuất.

Anh Peter Claereboets, chủ một tàu vận tải cho biết: “Bình thường chúng tôi có khoảng cách hơn 2 mét dưới đáy tàu, nhưng bây giờ ở một số sông chỉ là 40 cm. Thách thức rất lớn đối với chúng tôi khi phải vượt qua những điểm đó mà không chạm vào, không làm hỏng tàu”.

Hạn hán không những gây ra những hậu quả trước mắt mà còn tạo ra những hệ lụy lâu dài cho châu Âu. Hannah Clike, chuyên gia khí hậu của Anh nhận định: “Nếu không có các cơn mưa trong tháng này, EU sẽ phải đối mặt với một mùa đông khô hạn, chúng ta có thể gặp khó khăn nghiêm trọng vào mùa xuân và mùa hè năm sau khi không còn kho chứa nước nào”.

Báo cáo của Liên minh châu Âu cũng cho biết, tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 11. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng hạn hán diễn ra thường xuyên hơn ở châu Âu, có thể không phải là hàng năm, nhưng chắc chắn là cứ sau một, hoặc ít nhất là ba năm lại xảy ra một lần như thế.

Ông Jos Timmerman - chuyên gia về khí hậu và nước đánh giá: “Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân khiến vấn đề hạn hán tại châu Âu thêm trầm trọng, việc thiếu các cơn mưa khiến đất đai trở nên thiếu độ ẩm và trở nên khô cằn hơn và châu Âu buộc phải chuẩn bị cho các kịch bản như này trong tương lai”.

Tin bài liên quan