Châu Âu đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ ứng phó với COVID-19

Thỏa thuận này đã phá vỡ thế bế tắc của châu Âu trong việc đối mặt với những hậu quả tiêu cực về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Châu Âu cuối cùng cũng đạt thỏa thuận về gói cứu trợ COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Châu Âu cuối cùng cũng đạt thỏa thuận về gói cứu trợ COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau cuộc họp đầu tiên không thành công và một loạt cuộc thảo luận căng thẳng sau đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu cuối cùng đã đi đến thỏa thuận về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (khoảng 546 tỷ USD) để hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cuộc họp cuối cùng đã kết thúc trong tiếng vỗ tay của các bộ trưởng. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh "một thỏa thuận tuyệt vời" với 500 tỷ euro sẵn có lập tức cùng một quỹ phục hồi dành cho thời gian tới.

Thỏa thuận này đã phá vỡ thế bế tắc của châu Âu trong việc đối mặt với những hậu quả tiêu cực về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, sau nhiều tuần trì hoãn làm lộ rõ sự chia rẽ giữa các quốc gia phía Bắc và phía Nam.

Phản ứng của châu Âu sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính: khoản vay lên tới 240 tỷ euro từ quỹ cứu trợ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), một quỹ bảo lãnh 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp và gần 100 tỷ euro hỗ trợ cho tình trạng thất nghiệp.

Vấn đề nóng bỏng về "Trái phiếu Corona," với mục đích hỗ trợ nền kinh tế trong dài hạn sau cuộc khủng hoảng, vẫn chưa được giải quyết tại cuộc họp lần này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác đề xuất của Italy về việc Eurozone đưa ra "Trái phiếu Corona" để giảm nhẹ tác động về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo nhà lãnh đạo Đức, các nước có nhìn nhận khác nhau trong việc việc tìm ra công cụ phù hợp cho mục đích này. Tuy nhiên, Đức không muốn gánh thêm một nợ chung và đó là lý do Berlin phản đối kế hoạch phát hành trái phiếu nói trên.

Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ tin tưởng  châu Âu sẽ tìm kiếm được giải pháp chung. Bà Merkel cũng nhấn mạnh việc kiểm soát những thiệt hại về kinh tế trong EU thông qua ba công cụ, gồm chương trình tín dụng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và Cơ chế giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong tình huống khẩn cấp (SURE).

Một phản ứng chung là điều cần thiết hơn bao giờ hết kể từ khi nền kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái sâu sắc trong năm 2020, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí cho rằng COVID-19 có thể gây ra những hậu quả kinh tế Ttồi tệ nhất" kể từ Đại suy thoái năm 1929.

Tin bài liên quan