Dòng chảy từ Nga - trước đây là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Liên minh châu Âu - đã giảm mạnh hơn 1 triệu thùng/ngày kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu diễn ra vào tháng 2/2022, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt.
Những biện pháp trừng phạt đó hiện đang bắt đầu trở nên khó khăn hơn cho châu Âu vì Iraq đã tạm dừng các chuyến hàng chở dầu đến châu Âu thông qua cảng Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, các nhà sản xuất OPEC+ bao gồm cả Nga đã tuyên bố bắt đầu từ tháng tới sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 1,6 triệu thùng/ngày.
Đối với châu Âu, sự thiếu hụt nguồn cung này đang diễn ra vào một thời điểm không thuận lợi. Các loại dầu của Nga và Iraq có tỷ trọng và chất lượng lưu huỳnh tương tự nhau, và các nhà máy lọc dầu ở châu Á - đặc biệt là Trung Quốc - đang tăng nhu cầu đối với loại dầu được gọi là dầu chua trung bình này.
Các nhà phân tích Amrita Sen và Christopher Haines của Energy Aspects Ltd. cho biết: “Một trận chiến cam go (tranh giành nguồn cung dầu thô) giữa châu Âu và châu Á đang sắp diễn ra, và châu Á có thể trả giá cao hơn châu Âu để mua dầu, điều này có khả năng khiến châu Âu cắt giảm công suất các nhà máy lọc dầu để cân bằng”.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, EU đã nhập khẩu 95.000 thùng dầu Urals có nguồn gốc từ Nga mỗi ngày vào tháng 3, so với gần 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 2/2022. Tất cả hàng hóa đã được vận chuyển đến Bulgaria, quốc gia được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga.
Theo Energy Aspects, châu Âu đã thay thế ít nhất 1/4 nguồn cung từ Nga bằng dầu thô từ Trung Đông kể từ mùa Xuân năm 2022. Các dòng chảy từ Lưu vực Đại Tây Dương, từ Na Uy và Angola đến Mỹ cũng tăng trong ba tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, kể từ tháng trước, khoảng 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày được cung cấp từ khu vực Kurdistan ở miền Bắc Iraq đã bị tạm dừng trong bối cảnh tranh chấp thanh toán. Vào tháng 3, ít nhất 169.000 thùng/ngày - được vận chuyển qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ - đã đến các quốc gia EU.
Các hạn chế này đã làm tăng thêm sự khan hiếm trên thị trường dầu thô chua vừa, vì các nhà sản xuất Trung Đông cũng đang tiêu thụ nội địa nhiều hơn để tăng cường xử lý tại các nhà máy lọc dầu mới trong nước.
Ở Địa Trung Hải, giá các loại dầu thô như Basrah Medium của Iraq, thường được giảm giá mạnh so với các loại dầu khác do hàm lượng lưu huỳnh, đã tăng lên mức mà nhiều người mua xem là quá đắt.
Nhà máy lọc dầu Hy Lạp Hellenic Petroleum SA cũng đã đưa ra một cuộc đấu thầu hiếm hoi lần đầu tiên trong hai năm để mua nguồn cung Basrah Medium ngay lập tức. Một số công ty kinh doanh hàng hoá cho biết, động thái này báo hiệu sự sẵn có khan hiếm của những thùng như vậy trên thị trường giao ngay trong bối cảnh các loại dầu được cung cấp từ khu vực Kurdistan mất đi.