Xét nghiệm Covid-19 ở Pháp. Ảnh: Le Monde.

Xét nghiệm Covid-19 ở Pháp. Ảnh: Le Monde.

Châu Âu đang bước vào một mùa Thu Đông đáng sợ nhất vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu đang tiếp tục chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân, với trung bình 100.000 ca lây nhiễm mới mỗi ngày, gần gấp đôi so với Mỹ.

Giới chuyên gia cho biết, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới và sẽ đối mặt với một mùa Thu và Đông rất khắc nghiệt, trong đó số ca tử vong đang tăng tỷ lệ thuận với số ca mắc.

Tình hình dịch tễ ở châu Âu đang đặt ra những lo ngại lớn: số ca mắc hàng ngày và người nhập viện liên tục tăng, Covid-19 đang là nguyên nhân gây tử vong thứ 5 và đã cán cột mốc đáng buồn: 1.000 ca tử vong mỗi ngày.

Các bệnh viện ở Pháp, Tây Ban Nha lại rơi vào tình trạng quá tải vì làn sóng lây nhiễm thứ 2. Ở Paris, 44% số giường bệnh điều trị tích cực là bệnh nhân mắc Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố lệnh giới nghiêm ban đêm trong 4 tuần và đặt mục tiêu phải giảm bằng được tốc độ 20.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống 3.000 và giảm áp lực đối với các phòng chăm sóc tích cực.

Tại Madrid, Tây Ban Nha, số bệnh nhân nằm ở phòng điều trị tích cực cũng chiếm tới chiếm 38%.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, tình hình rất đáng lo ngại vì số bệnh nhân mắc Covid-19 chiếm 20% số người tới khám và nằm viện ở Madrit. Số ca mắc hàng ngày đã vượt 10.000 kể từ cuối tháng 8.

Chính phủ Anh đã dùng biện pháp mạnh tay hơn là áp dụng lệnh phong tỏa từ nửa đêm ngày 16/10 ở thủ đô London. Nhiều người dân phàn nàn, các biện pháp mới mà chính phủ đề ra gây “lúng túng”, và “mất thời gian”.

Như vậy, 2 thành phố giàu nhất châu Âu là Paris, London đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, giáng đòn mạnh vào các ngành dịch vụ ăn uống, vui chơi, nhà hàng, quán bar.

Nhìn chung, các biện pháp hạn chế phòng dịch ở Anh, Pháp và nhiều nơi khác chưa đủ thuyết phục đối với người dân. Sự giận dữ của công chúng cùng những tác động đối với nền kinh tế, chi phí chữa bệnh tăng cao, và mất tự do đi lại đang đặt ra thách thức lớn nhất cho các chính phủ châu Âu kể từ Thế chiến 2.

Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, 16 quốc gia châu Âu được xếp vào vùng đỏ có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Người dân ở những vùng đỏ này khi đi du lịch sẽ phải thực hiện cách ly, xét nghiệm.

Trước làn sóng lây nhiễm thứ 2, Ủy ban châu Âu cho rằng các nước trong EU cần đảm bảo đủ nhân viên y tế có chuyên môn và trang thiết bị bảo hộ tại các bệnh viện và cơ sở tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu hụt hạ tầng cũng như nhân sự như đợt dịch hồi tháng 3.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về Y tế Stella Kyriakides kêu gọi các nước thành viên có sự phối hợp tốt hơn để truy vết, đồng thời kêu gọi có chiến lược chung để phân phối vaccine ngay khi có mặt trên trị trường, trong đó ưu tiên tiêm chủng cho nhóm dân số dễ tổn thương nhất.

Bà lưu ý hiện còn rất ít thời gian để chuẩn bị bởi những lô vắcxin đầu tiên có thể ra mắt vào đầu năm 2021. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết: “Uỷ ban châu Âu muốn vaccine với giá hợp lý và tất cả mọi người đều được tiếp cận. Chúng tôi giữ vững nguyên tắc vắcxin miễn phí và đến được với mọi công dân trong EU”.

Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge đánh giá tình hình dịch bệnh ở châu Âu không lạc quan.

Ông lưu ý, việc áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn có thể cứu sống hàng trăm nghìn người ở khắp châu Âu, và 1 trong các biện pháp có thể làm là đeo khẩu trang: “Theo tính toán dựa trên tình hình dịch tế, các biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang, nếu đạt tỷ lệ 95% thay vì chỉ có 60% như hiện nay cùng với kiểm soát chặt việc tụ tập xã hội, kể cả cả ở nơi công cộng và không gian riêng tư như gia đình có thể cứu sống tới 281.000 người từ nay đến tháng 2/2021 tại 53 nước châu Âu mà WHO đang quản lý”.

Tin bài liên quan