EU đang đứng trước nguy cơ thiếu dầu và khí đốt.

EU đang đứng trước nguy cơ thiếu dầu và khí đốt.

Châu Âu chạy đua tìm nguồn cung dầu, khí đốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên minh châu Âu (EU) và Anh có kế hoạch cấm tất cả các hoạt động mua dầu của Nga vào cuối năm nay. Vì thế, nhiều nước đang chạy đua để bổ sung nguồn cung cấp.

Nguy cơ thiếu hụt dầu và khí đốt

EU và Anh có kế hoạch cấm tất cả các hoạt động mua dầu của Nga vào cuối năm nay nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu cấm nhập khẩu dầu từ Nga, EU có khả năng thiếu hụt 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày và 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu/ngày.

Về khí đốt, năm 2021, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu, chủ yếu bằng đường ống. Lượng giao hàng năm ngoái vào khoảng 155 tỷ m3. Hành lang trung chuyển là Ukraine chủ yếu gửi khí đốt đến Áo, Ý, Slovakia và các quốc gia Đông Âu khác. Nhưng sau khi xung đột với Nga nổ ra, một đường ống trung chuyển quan trọng là Sokhranovka của Ukraine chạy qua phần lãnh thổ bị Nga kiểm soát đã bị đóng cửa. Các nhà phân tích cho biết, việc này khiến một phần ba nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu bị gián đoạn.

Nguồn thay thế không nhiều

Na Uy hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho châu Âu, sau Nga; cung cấp 8% lượng dầu nhập khẩu của EU, so với 27% của Nga vào năm 2021. Nước này bơm khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày và dự báo sẽ tăng sản lượng lên 9% vào năm 2024.

Bộ trưởng Năng lượng Na Uy cho biết, xuất khẩu khí đốt của Na Uy dự kiến sẽ tăng 8% trong năm 2022, lên 122 tỷ m3, phá kỷ lục 5 năm trước. Vào tháng 3, Na Uy thông báo sẽ cấp giấy phép mới để khoan dầu và khí đốt, bao gồm cả những khu vực chưa được khám phá trước đây ở Bắc Cực.

Các quốc gia Trung Đông đang nắm giữ gần một nửa trữ lượng dầu mỏ của thế giới và phần lớn năng lực sản xuất dự phòng. Tuy nhiên, xung đột địa chính trị và các lệnh trừng phạt có thể cản trở khả năng cung ứng lượng dầu khí cần thiết của khu vực này khi phương Tây mất nguồn cung từ Nga.

Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) có thể sản xuất thêm 2,5 triệu thùng/ngày, chiếm tỷ trọng lớn trong OPEC, nhưng đã nhiều lần từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc tăng sản lượng. Các nhà phân tích cho biết, hai nước này cũng không có nhiều khả năng sẽ chuyển hướng vận chuyển dầu từ châu Á sang châu Âu, vì sợ mất khách hàng lớn là Trung Quốc.

Trong khi đó, Iraq hiện sản xuất khoảng 4,34 triệu thùng/ngày và có công suất sản xuất tối đa là 5 triệu thùng/ngày, tức có thể bơm thêm 660.000 thùng/ngày, nhưng EU khó có thể trông chờ nguồn dầu tại đây vì những bế tắc chính trị, cũng như thiếu cơ sở hạ tầng để nâng cao sản lượng.

Còn tại Libya, các mỏ dầu thường xuyên bị gián đoạn do căng thẳng chính trị tiếp diễn. Cuối tháng 4/2022, Libya đã mất sản lượng dầu hơn 550.000 thùng/ngày do các nhóm bất mãn chính trị phong tỏa các mỏ dầu và nơi xuất khẩu chính. Một nhà máy lọc dầu đã bị thiệt hại sau các cuộc đụng độ vũ trang.

Iran là quốc gia có đủ điều kiện để bổ sung dầu vào thị trường, nhưng nước này vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc bị đình trệ.

Nước sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới và có trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn thứ ba thế giới là Canada, nhưng năng lực đường ống dẫn và cơ sở hạ tầng xuất khẩu còn hạn chế, trong khi đang ưu tiên bơm gần như toàn bộ dầu sang thị trường Bắc Mỹ.

Mỹ là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu, với sản lượng khoảng 11,6 triệu thùng/ngày tính đến tháng 12/2021, đồng thời là nước tiêu thụ dầu lớn nhất, sử dụng khoảng 20% tổng sản lượng của thế giới.

Nước này có khả năng tăng sản lượng và bán nhiều dầu thô hơn cho châu Âu, nhưng dầu Mỹ rất nhẹ và không thích hợp để sản xuất dầu diesel và xăng mà các thị trường cần, kể cả ở Mỹ và châu Âu.

Theo báo cáo thị trường hàng tháng của Bloomberg, Nga thu về khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng kể từ đầu năm 2022 đến nay từ việc bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, các lô hàng xuất khẩu dầu trong tháng 4 của Nga tăng khoảng 620.000 thùng/ngày so với tháng 3, lên mức 8,1 triệu thùng, trở lại mức trung bình trước khi xung đột với Ukraine leo thang. Điều này là nhờ nhu cầu dầu ở châu Á tăng lên, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, EU vẫn là thị trường nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất của Nga, với 43% lượng dầu xuất khẩu.

Tin bài liên quan