Nắng nóng kỷ lục đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia châu Á, gây ra nhiều hệ lụy

Nắng nóng kỷ lục đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia châu Á, gây ra nhiều hệ lụy

Châu Á thiếu điện diện rộng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng vọt, cùng với đó là lượng nước trên các hệ thống sông, hồ thủy điện suy kiệt, dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội nhiều quốc gia châu Á.

Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc hứng chịu đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp, nông nghiệp. Năm nay, tình trạng nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục diễn ra, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế và cuộc sống người dân.

Kể từ tháng 3/2023, nhiệt độ ở hàng chục thành phố của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục theo mùa. Gần đây, một số thành phố ở tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C.

Đặc biệt, tình hình khô hạn tại Vân Nam đã xảy ra từ cuối năm 2022 và kéo dài cho đến nay. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 4/2023, lượng mưa chỉ đạt 16,9 mm, giảm 71%, dẫn đến sản lượng điện của tỉnh giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạn hán cục bộ được dự báo sẽ còn tiếp diễn tại tỉnh này, ngay cả khi bước vào mùa mưa, qua đó tác động lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và cung cấp điện của cả nước. Bởi lẽ, Vân Nam nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, có 7 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất Trung Quốc.

Tình trạng thiếu nước đang làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng như năm ngoái, gây đình trệ hoạt động sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với tỉnh Quảng Đông, nơi đóng góp hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc.

Thiếu điện do nắng nóng gây đình trệ hoạt động sản xuất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng…

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này vừa phải kêu gọi các hộ gia đình và các ngành công nghiệp xung quanh Thủ đô Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8 tới, để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong dịp cao điểm mùa hè. Theo ước tính từ Chính phủ Nhật Bản, trong 2 tháng mùa hè, năng lượng dự trữ có thể giảm xuống mức thấp nghiêm trọng do nhu cầu sử dụng điện tăng cao của người dân trong thời tiết nóng bức. Mặc dù giá khí đốt tự nhiên và than đã giảm so với mức cao kỷ lục của năm ngoái, nhưng Chính phủ Nhật Bản và các công ty điện lực vẫn lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung trong tương lai.

Ở Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, đặt hệ thống điện ở mức báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện có thời điểm lên gần 35.000 MW chỉ trong một ngày. Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng và cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Nắng nóng cũng khiến các hồ nước tại đất nước Chùa Vàng suy kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gồm cả thủy điện.

Đối với Việt Nam, tình trạng thiếu điện thể hiện rõ nhất ở khu vực miền Bắc trong thời gian gần đây. Hiện tượng El Nino để lại hậu quả nghiêm trọng khi nguồn nước ở các hồ thủy điện lớn đều về mực nước chết, các tổ máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố vì quá tải, sản lượng thủy điện bình quân giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 12 - 15% công suất phát. Tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận, cắt điện không chỉ luân phiên 1 - 2 giờ, mà có nơi cắt từ nửa ngày đến cả ngày.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã tiếp nhận nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp hội viên về tình hình mất điện thường xuyên dẫn đến doanh nghiệp không thể sản xuất, người lao động không có việc làm, thậm chí không ít doanh nghiệp gặp tổn thất nặng nề do máy móc bị hỏng hóc, hàng hóa bị hư hỏng do cắt điện. Đồng thời, đây là nguyên nhân khiến các đơn hàng của doanh nghiệp bị chậm trễ tiến độ, không đáp ứng được hợp đồng.

Tin bài liên quan