Mới đây, sự kiện lớn nhất trên thị trường thiết bị di động là việc Apple Inc ra mắt iPhone 8. Tuy nhiên, lượng đơn đặt hàng sản phẩm mới thấp hơn so với iPhone 7 và iPhone 6 đã khiến giá cổ phiếu của các nhà cung cấp linh phụ kiện và lắp ráp cho Apple tại châu Á, đặc biệt là Đài Loan, giảm mạnh.
Chưa kể, sản phẩm iPhone X, có mức giá đắt đỏ nhất trong dòng iPhone của Apple, đang vướng phải những khó khăn trong quá trình sản xuất với chức năng nhận diện khuôn mặt, dẫn tới số lượng sản phẩm được tung ra vào tháng 11 tới thấp hơn dự kiến.
Thị trường chứng khoán Đài Loan có vốn hóa 1,1 nghìn tỷ USD, rất nhạy cảm với những biến động của sản phẩm Apple trên thị trường, bởi đây là nơi niêm yết của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp chính của Apple. Hon Hai Precision Industry Co và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, các nhà sản xuất chip chính cho Apple, chiếm tới 1/4 tỷ trọng chỉ số Taiex, trong khi xuất khẩu chiếm hơn một nửa GDP của khu vực kinh tế này.
Trước số lượng đơn đặt hàng iPhone 8 khá thất vọng, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 677 triệu USD khỏi thị trường chứng khoán Đài Loan trong tuần trước, mức lớn nhất trong 3 tháng qua.
Diễn biến này cho thấy, ham muốn nâng cấp chiếc điện thoại đang sử dụng của khách hàng bấy lâu đã trở thành động lực phát triển cho các nhà sản xuất đồ điện tử, cho tới chuỗi cung ứng hàng hóa tại các nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Chính bởi vậy, hiệu ứng smartphone này nhạt dần sẽ dẫn tới những thay đổi kinh tế vĩ mô nhất định.
Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Nomura Holdings Inc nhận định, thị trường smartphone đang bước vào chu kỳ thoái trào, trong khi đây là yếu tố có tác động thúc đẩy rất lớn đối với các nhà xuất khẩu tại châu Á. Bên cạnh đó, việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng khiến hoạt động xuất khẩu trở nên trầm lắng hơn so với trước đây.
Chu kỳ tăng trưởng của thị trường smartphone, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển chậm chạp hơn là các lý do khiến giới chuyên gia dự báo, châu Á sắp phải đối mặt với tình trạng giảm phát, nhu cầu tiêu dùng trì trệ, thay vì duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như hiện nay. Trong năm kết thúc vào tháng 8/2017, các quốc gia châu Á đã có hoạt động xuất khẩu bằng đồng USD mạnh nhất kể từ năm 2011, theo Morgan Stanley.
Hiện tại, chưa có biện pháp chính xác nào để đo lường tác động của việc giảm giao dịch liên quan tới smartphone tới phát triển kinh tế tại châu Á, tuy nhiên, theo các nhà kinh tế học, ảnh hưởng là rất to lớn.
Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, xuất khẩu chất bán dẫn đã tăng 57% trong tháng 8, lên mức kỷ lục 8,8 tỷ USD, nhờ vào việc ra mắt các sản phẩm điện thoại mới và gia tăng sử dụng chất bán dẫn. Hoạt động xuất khẩu này chiếm khoảng 18,6% tổng lượng xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8.
Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động thương mại tại châu Á đang bắt đầu “nguội lạnh”. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 5,6% trong tháng 8, trong khi nhập khẩu chủ yếu đi ngang.
Đối với Hàn Quốc, đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng thời gian qua có thể theo hướng đi xuống trong những tháng tới. Theo Bloomberg Intelligence, hoạt động có phần bớt nhộn nhịp tại các cảng biển lớn châu Á, bao gồm cả Busan và Thượng Hải, là một trong những chỉ dấu cho thấy sự phục hồi của hoạt động thương mại bằng container trên toàn cầu đã đạt đỉnh.
Chưa kể, theo báo cáo mới nhất của Goldman Sachs, động lực xuất khẩu tại châu Á giảm dần kể từ tháng 8, trong khi sự giảm tốc lan dần ra mọi lĩnh vực, ngoại trừ chất bán dẫn. Diễn biến tương tự cũng diễn ra với nhập khẩu.
Với tất cả những chỉ dấu kể trên, cùng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu tiến hành thắt chặt tiền tệ hơn nữa, Rob Subbaraman chia sẻ: “Nhà đầu tư hãy tận hưởng bữa tiệc tại châu Á, nhưng tốt hết nên đứng gần cửa ra vào”.