Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
Quan chức câu kết với doanh nghiệp bất chính xẻ thịt đất công, chia chác tiền ngân sách xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, kéo dài nhiều năm. Quyền lực càng cao, tác hại gây cho xã hội càng lớn. Không chỉ hàng chục ngàn tỷ đồng bốc hơi, mà hậu họa là xói mòn niềm tin của người dân.
Người đương quyền… ngã ngựa
Ở Hà Nội, dư luận rúng động khi mới đây, ngày 20/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn.
Trước đó, Thanh tra Hà Nội công bố, việc xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho triển khai nhân rộng tại 87/125 hồ ở khu vực nội thành.
Ông Hùng còn bị điều tra trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Liên quan vụ án này, trước đó, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã bị Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung trong thời gian 90 ngày để điều tra.
Ông Chung còn bị đình chỉ để điều tra làm rõ ở 2 vụ án khác, gồm vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan; vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố đối với 3 bị can khác là thư ký, lái xe của ông Chung và nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).
Tại TP.HCM, người dân vẫn chưa hết xôn xao, bởi trưa ngày 11/7/2020, khi Kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP.HCM khóa IX vừa bước qua 2,5 ngày làm việc (tức chỉ còn nửa ngày nữa là Kỳ họp kết thúc), thì các báo đồng loạt đưa tin: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Trong khi, buổi sáng cùng ngày, ông Tuyến còn trả lời chất vấn đại biểu HĐND.
Ông Tuyến bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự (năm 2015), vì những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH - MTV (SAGRI).
Ông Tuyến được cho là sai phạm liên quan việc cho phép SAGRI chuyển nhượng Dự án Nhà ở Phước Long B cho Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng, thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Cùng với ông Tuyến ở vụ án trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Trần Trọng Tuấn, Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Quận ủy quận 3, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM và một số bị can khác. Trước đó, tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (SAGRI).
Chức càng cao, sai phạm càng khủng
Cũng trong tháng 7/2020, Bộ Công an khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao Bộ Công thương gồm: cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ liên quan sai phạm tại dự án ở khu đất có diện tích khoảng 6.000 m2 tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).
Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, buộc Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 6.000 m2 đất 4 mặt tiền tại địa chỉ số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng là “đất vàng” công sản được UBND TP.HCM giao Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương) làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng với vốn đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.
Dù biết khu đất đã được giao Sabeco quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng dự án và không được thành lập pháp nhân mới, nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) trái với quy định của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg để đầu tư Dự án.
Căn cứ chỉ đạo này, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa; ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco đã ký công văn kèm theo các văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư Dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl.
Kết cục, sổ đỏ khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, vốn là của công, đã thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã gây hậu quả thiệt hại, thất thoát và lãng phí cho ngân sách nhà nước đặc biệt lớn.
Không chỉ cấp bộ, ở cấp thấp hơn, khi người đứng đầu, giữ vị trí chủ chốt, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai mà sai phạm cũng gây thiệt hại ghê gớm cả về vật chất lẫn con người.
Điển hình, ở Đà Nẵng, khi đương chức, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011 và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014 đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai khi đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản.
Tất cả việc làm trên để giúp Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 thâu tóm nhiều nhà, đất ở vị trí vàng, mua rẻ hơn nhiều so với giá trị thực, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, đất đai, mà đau xót hơn, những sai phạm đó còn kéo thêm 14 cán bộ của TP. Đà Nẵng rơi vào vòng lao lý.
Tháng 5/2020, tại phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng Xét xử sau khi tuyên phạt ông Chiến 10 năm tù, ông Minh 17 năm tù, đã tuyên bắt tạm giam luôn hai cựu chủ tịch ngay tại tòa.
Càng khui càng ra tội
Thực tế ở những vụ đại án liên quan tới quan chức cho thấy, khởi tố chỉ mới là bước mở màn cho việc phanh phui hàng loạt vấn đề sau đó. Minh chứng là ông Đinh La Thăng, dù đang chịu án 30 năm tù, vẫn vừa bị khởi tố tiếp.
Cụ thể, tháng 12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và mất trắng số tiền này.
Thời điểm đó, ông Thăng đương chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trước đó, ông Thăng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Năm 2018, ông Đinh La Thăng bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù trong vụ PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ocean Bank. Cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tổng hợp hình phạt mà ông Thăng phải chịu là 30 năm tù cùng hơn 600 tỷ đồng bồi thường thiệt hại.
Đang thụ án 30 năm tù, mới đây, ngày 14/8/2020, ông Thăng lại bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố cùng với nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường và một số cá nhân khác để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đề cập những đại án đã và đang gây chấn động dư luận, luật sư Bùi Phúc Thạch (Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt - TP.HCM) nhận diện, các vụ liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước thường do những người có quyền chức và “ê kíp” thực hiện; người có quyền chức càng cao, thì hậu quả về vật chất càng lớn.
Tại Phiên họp thứ 18, ngày 25/7/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thông tin, 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 143 vụ án/399 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự trong cả nước đã thu hồi trên 37.000 tỷ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 11.700 tỷ đồng và nhiều tài sản, bất động sản có giá trị khác.