Chật vật triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

0:00 / 0:00
0:00
Dự án PPP cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa có lần điều chỉnh chủ trương đầu tư thứ hai chỉ trong vòng 12 tháng.
Phối cảnh một đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Phối cảnh một đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

“Điệp khúc” điều chỉnh

HĐND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-HĐND (Nghị quyết số 58) ngày 19/12/2023 điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT (Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng).

Điều bất ngờ là, trước khi HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành nghị quyết này đúng 2 tuần, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký Quyết định số 2014/QĐ-UBND ngày 4/12/2023 phê duyệt Dự án BOT tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Quyết định được dựa trên Nghị quyết số 41/NQ-HĐND (Nghị quyết số 41) ngày 30/12/2022 về chủ trương đầu tư Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Điều này có nghĩa, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ sớm phải ban hành một quyết định phê duyệt dự án mới cho phù hợp với Nghị quyết số 58.

Nghị quyết số 58 đưa ra 3 thay đổi lớn so với Nghị quyết số 41, có thể làm thay đổi “số phận” của Dự án - từng được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lên kế hoạch đầu tư từ năm 2016.

Một là, với Nghị quyết số 58, HĐND tỉnh Lạng Sơn quyết nghị điều chỉnh khoản 3, Điều 1, Nghị quyết số 41 về dự kiến thời gian thực hiện dự án. Theo đó, thời gian thực hiện Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn phân kỳ là từ năm 2023 đến 2026.

Hai là, Nghị quyết số 58 điều chỉnh khoản 6, Điều 1, Nghị quyết số 41 về sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ). Cụ thể, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư mới là 11.029 tỷ đồng, tăng khoảng 409 tỷ đồng so với Nghị quyết số 41 (10.620 tỷ đồng).

Ba là, Nghị quyết số 58 điều chỉnh điểm a và điểm b, khoản 7, Điều 1, Nghị quyết số 41 về sơ bộ phương án tài chính của Dự án (giai đoạn phân kỳ).

Theo đó, trong cơ cấu nguồn vốn của Dự án, vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước khoảng 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến, giá trị phần vốn nhà nước được bố trí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 1.728 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình tạm và xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 3.772 tỷ đồng.

Trước đó, tại Quyết định số 2104//QĐ-UBND, tổng mức đầu tư Dự án được xác định là 11.179 tỷ đồng, trong đó, vốn do nhà đầu tư có trách nhiệm huy động là 6.179 tỷ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 44,73% tổng mức đầu tư).

Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án, được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc; giá vé với hình thức thu phí kín, năm cơ sở 2026 với 5 nhóm phương tiện lần lượt là 2.100 - 3.000 - 3.700 - 6.000 - 8.100 (đồng/km), định kỳ 3 năm điều chỉnh tăng 15%/lần; thời gian thu phí, hoàn vốn khoảng 29 năm 6 tháng.

Đón cơ chế đặc thù

Tại văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn vào ngày 8/12/2023, tức là sau 4 ngày địa phương này phê duyệt Dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị đề xuất Dự án đã nêu ra một loạt khó khăn, vướng mắc.

Nhà đầu tư này cho rằng, với cơ cấu nguồn vốn Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2014, nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia chỉ khoảng 45% tổng mức đầu tư, dẫn đến thời gian thu phí hoàn vốn lên tới 29 năm 6 tháng là không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại đang ngày càng thắt chặt, khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn về thu xếp vốn tham gia dự án.

Về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi đất dự án, theo quy định tại khoản 2, Điều 64, Luật Khoảng sản, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép. Tuy nhiên, trường hợp khai thác khoáng sản ngoài phạm vi đất của Dự án, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện toàn bộ trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

“Tính chung, phải thực hiện qua 7 bước (lập hồ sơ mỏ, khoan thăm dò, cấp giấy phép khai thác...), tổng thời gian thực hiện khoảng 12 tháng, nên sẽ không đáp ứng được tiến độ triển khai dự án”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Trong khi đó, tại Văn bản số 1303/TTg-KTTH ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đã được dự kiến bố trí bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Mặt khác, tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Dự án thuộc diện được điều chỉnh chủ trương đầu tư sau khi được giao bổ sung vốn.

“Những cơ chế đặc thù này sẽ cải thiện đáng kể tính khả thi tài chính và khả năng rút ngắn tiến độ cho Dự án BOT tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng”, ông Nguyễn Quang Vĩnh đánh giá.

Tin bài liên quan