Quốc hội khoá XV vừa kết thúc 2,5 ngày chất vấn, cũng là hoạt động chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ này với những vấn đề đại sự của đất nước.
Người điều hành mới, người trả lời có mới có cũ và người hỏi cũng thế, các phiên chất vấn đã bước đầu có sắc thái mới.
Đầu tiên, người điều hành mới - Chủ tịch Quốc hội, người mới chỉ đảm nhận trọng trách ở cơ quan lập pháp hơn nửa năm nay. Làm sao để các phiên chất vấn thể hiện đúng yêu cầu là hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội, tăng cường trách nhiệm giải trình, đi đến cùng vấn đề được chọn và làm rõ trách nhiệm, điều đó phụ thuộc không ít vào người điều hành.
Tạo điều kiện để đại biểu đi đến cùng vấn đề chất vấn, để Bộ trưởng trả lời đầy đủ mọi vấn đề được hỏi, để các thành viên Chính phủ khác được mời tham gia trả lời có thể tập trung vào vấn đề trọng tâm nhất của các phiên chất vấn, đó là điều người điều hành đã làm được.
Không khí các phiên chất vấn không căng thẳng, nhưng thể hiện rõ trách nhiệm của từng hỏi - đáp, đó cũng là điều người điều hành mới đã làm được.
Với lợi thế từng làm lãnh đạo ngành tài chính, sau đó là lãnh đạo Chính phủ, am hiểu sâu sắc về chính sách tiền tệ, tài khoá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đôi khi không chỉ điều hành, mà còn đưa ra những thông tin giúp cho vấn đề đang được chất vấn trở nên sáng rõ, thuyết phục hơn. Có lẽ vì thế, mà ông đã "chia lửa" cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khá nhiều, khi Quốc hội chất vấn về nhóm vấn đề thứ tư, với trọng tâm là kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội trong bối cảnh vẫn phải đương đầu với dịch bệnh.
Với người trả lời chất vấn, Thủ tướng cũng là người mới. Ông chưa từng là thành viên Chính phủ cho đến khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng từ đầu năm nay. Cũng có nghĩa là kinh nghiệm trả lời chất vấn chưa dày dặn.
Ông cũng được "ưu tiên" hơn các vị Bộ trưởng khác, là thời gian trả lời trực tiếp ít hơn (khoảng 1 tiếng). Nhưng ông đã tận dụng tối đa khoảng thời gian ít ỏi này để trả lời thẳng thắn những vấn đề đại biểu chất vấn, từ xây dựng Chính phủ liêm chính cho đến bài học rút ra qua phòng chống dịch.
Bốn thành viên Chính phủ còn lại, có hai người mới là Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đều khá tự tin trong lần đầu lên "ghế nóng". Tuy nhiên, hai vị có lẽ cần thêm kinh nghiệm và cần thêm cả thời gian để trả lời thuyết phục hơn nhiều vấn đề đại biểu đặt ra.
“Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời, nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét khi phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn.
Tuy nhiên, có vai trò cực kỳ quan trọng tại các phiên chất vấn vẫn là đại biểu Quốc hội, những người trực tiếp chọn vấn đề, trực tiếp nêu câu hỏi, trực tiếp tranh luận và trực tiếp giám sát hậu chất vấn.
Trong 5 buổi, 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có 12 lượt chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt dùng quyền tranh luận, tổng hợp chung có 171 lượt đại biểu đã lên tiếng, trước cử tri của mình.
Dù còn có những câu hỏi chưa thật sát, chưa thật sắc, chưa thật rõ trách nhiệm, nhưng nhìn chung, đa số đại biểu, cả cũ và mới, đều đã thể hiện được trách nhiệm tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, khi đất nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Có những đại biểu gần như phiên nào cũng chất vấn, cũng tranh luận, với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình đôi khi cũng khiến người trả lời lúng túng. Đó là khi đại biểu vừa nắm chắc thực tiễn, vừa không ngại “va chạm” nếu có.
Covid-19 đã bộc lộ những vấn đề gì, đâu là lỗ hổng của hệ thống pháp luật và đâu là hạn chế, yếu kém ở khâu thực hiện, câu trả lời đã rõ ràng hơn qua các phiên chất vấn.
Cụ thể hơn, chiến lược chống dịch thời gian tới thế nào, ngành y tế cần được chẩn chỉnh ra sao để hạn chế những bất cập qua 4 đợt chống dịch, thị trường lao động cần chiến lược gì cho giai đoạn mới, giáo dục và đào tạo sẽ đi về đâu nếu Covid-19 kéo dài, giải pháp cũng đã rõ ràng hơn.
Và, vấn đề được cả đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm, đó là dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ thế nào để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế sớm phục hồi, để chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội có thể thực hiện được ngay khi được phê duyệt cũng đã được cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình những nội dung quan trọng nhất.
Không có những “điểm nhấn” bởi tranh luận nảy lửa, dù có rất nhiều tấm biển tranh luận đã được sử dụng, bởi những "lỡ lời" của người trả lời, nhưng "cuộc sát hạch" đầu tiên đã cho thấy chất vấn "là hoạt động giám sát trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát" như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhưng, trách nhiệm nặng nề của Quốc hội còn ở phía trước, để những cam kết từ các phiên chất vấn sớm trở thành hiện thực, để hoạt động chất vấn và trả lời chất vẫn luôn ở trong mối quan tâm đặc biệt của cử tri.