Khuyến nghị cho các cơ quan quản lý
Thứ nhất, thành lập cơ quan điều phối cấp Bộ Tài chính về QTCT.
Hiện tại, hoạt động nâng cao chất lượng QTCT ở Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức. Trong đó, về phía cơ quan quản lý phải kể đến Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các Sở giao dịch chứng khoán; về phía các tổ chức chuyên nghiệp phải kể đến các công ty kiểm toán, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Tài chính Quốc tế, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… Tuy nhiên, hoạt động của nhiều đơn vị, tổ chức thiếu sự gắn kết.
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải thành lập cơ quan điều phối cấp Bộ Tài chính về QTCT, nhằm mục tiêu tập hợp và phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả trong công cuộc nâng cao chất lượng QTCT cho TTCK Việt Nam, đồng thời đảm bảo các hoạt động được tổ chức một cách nhất quán, theo đúng định hướng phát triển của Nhà nước.
Thứ hai, UBCK tổ chức hoặc cấp phép cho các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ QTCT.
Do Việt Nam chưa có một chương trình đào tạo cấp chứng chỉ QTCT nào, nên nhận thức và kiến thức về QTCT của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) còn yếu kém, khó có thể áp dụng các tiêu chuẩn QTCT tốt. Việc xây dựng các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ QTCT sẽ góp phần nâng cao mặt bằng chung chất lượng QTCT của doanh nghiệp nói chung và tính hiệu quả của HĐQT nói riêng.
Trong tầm nhìn dài hạn, việc tham gia các khóa đào tạo và nắm giữ chứng chỉ QTCT có thể được đưa và các quy định trên TTCK, đảm bảo rằng các HĐQT có đầy đủ kiến thức trong việc xây dựng mô hình QTCT cho doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và nâng cao tính tuân thủ trên TTCK.
Thứ ba, ban hành Bộ nguyên tắc QTCT kèm các hướng dẫn áp dụng làm cơ sở để các doanh nghiệp niêm yết có thể học hỏi và áp dụng các thông lệ QTCT phù hợp với tình hình, thực trạng QTCT tại Việt Nam.
Thứ tư, triển khai đánh giá chất lượng QTCT áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên TTCK. Bộ tiêu chí đánh giá cần bao gồm các quy định QTCT hiện hành và các thông lệ QTCT được rút ra từ Bộ nguyên tắc QTCT.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp niêm yết
Về quyền của cổ đông và đối xử bình đẳng với cổ đông:
Trước hết, đảm bảo tuân thủ toàn diện các quy định hiện hành liên quan đến quyền cổ đông. Một số quyền cơ bản của cổ đông hiện đã được đa số doanh nghiệp niêm yết tuân thủ, ví dụ việc biểu quyết từng nội dung trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) hoặc ĐHCĐ thông qua kế hoạch cổ tức cho năm vừa qua và cho năm tới. Tuy nhiên, đối với các nội dung đã được quy định trong văn bản pháp quy (Luật Doanh nghiệp, Thông tư 121/2012/TT-BTC…), cần phải nâng mức tuân thủ lên mức toàn diện.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả của quy trình tổ chức họp ĐHCĐ. Đại hội là nơi các cổ đông trực tiếp thể hiện quan điểm, thực hiện các quyền cơ bản của mình. Do đó, doanh nghiệp cần đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất để cổ đông có thể tham dự một cách hiệu quả.
Cụ thể: Thông báo mời họp phải được công bố sớm để cổ đông có thể chuẩn bị và sắp xếp thời gian tham dự; bộ tài liệu họp phải đầy đủ các thông tin cần thiết, đặc biệt là thông tin các ứng cử viên HĐQT/Ban kiểm soát, gửi trực tiếp cho cổ đông, đồng thời đưa lên website của doanh nghiệp để đảm bảo mức độ tiếp cận cao nhất; ĐHCĐ cần phải có sự hiện diện của công ty kiểm toán để trả lời các câu hỏi của cổ đông liên quan đến báo cáo tài chính kiểm toán; quy chế họp ĐHCĐ cần được cung cấp cho cổ đông để cổ đông có thể nắm rõ quy trình biểu quyết và các vấn đề cần biểu quyết.
Bên cạnh đó, tăng cường sự tiếp cận thông tin của cổ đông. Quyền cơ bản của cổ đông là được tiếp cận và nhận các thông tin trọng yếu về doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần đảm bảo công bố thông tin về người liên lạc cho cổ đông/nhà đầu tư, chú trọng công bố thông tin trên website của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho cổ đông nước ngoài thực hiện quyền cổ đông, doanh nghiệp cần cung cấp tài liệu họp ĐHCĐ và các báo cáo như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên… bằng tiếng Anh trên website.
Mặt khác, doanh nghiệp nên nghiên cứu và áp dụng các phương pháp tổ chức ĐHCĐ khác nhau như bỏ phiếu điện tử, họp trực tuyến, hoặc bỏ phiếu qua bưu điện, nhằm tạo điều kiện tham dự cho các cổ đông. Các cổ đông cũng cần được hướng dẫn chi tiết quy trình ủy quyền tham dự họp ĐHCĐ và quy trình dồn phiếu biểu quyết để đảm bảo tất cả cổ đông có thể thực hiện quyền của mình.
Về các bên có quyền lợi liên quan:
Việc công bố thông tin về tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và người lao động đã mang tính bắt buộc theo Thông tư 155/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng như công bố thông tin về các hoạt động này rất hạn chế.
Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện và công bố thông tin về các hoạt động môi trường, xã hội và người lao động, không chỉ để tuân thủ theo các quy định pháp lý, mà còn nâng cao uy tín của doanh nghiệp với các bên liên quan.
Về công bố thông tin và minh bạch:
Một là, đảm bảo tuân thủ toàn diện các quy định hiện hành liên quan đến công bố thông tin.
Hai là, nâng cao chất lượng báo cáo thường niên. Thực tế, vẫn còn tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp niêm yết chưa thực hiện công bố thông tin về các hoạt động, tính độc lập, các cuộc họp và nội dung họp, lương, thưởng, thù lao… của thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám đốc. Đây là những nội dung quan trọng thể hiện sự minh bạch trong quản trị và quản lý điều hành doanh nghiệp.
Ba là, nâng cao chất lượng thông tin được công bố. Một số thông tin được công bố chỉ mang tính đối phó với các quy định hiện hành, chưa có chất lượng và chiều sâu, không mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư.
Ví dụ, thông tin về rủi ro của doanh nghiệp được liệt kê đầy đủ, nhưng không giải thích rõ ảnh hưởng và cách giải quyết của doanh nghiệp; hay các thông tin tài chính được so sánh với kế hoạch đề ra và qua các năm, nhưng không giải thích lý do tăng/giảm, đạt hoặc không đạt kế hoạch.
Về trách nhiệm của HĐQT và Ban kiểm soát:
Thứ nhất, đảm bảo tuân thủ toàn diện các quy định hiện hành liên quan đến trách nhiệm HĐQT và Ban kiểm soát. Đa số các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá không tuân thủ các quy định cơ bản như có đủ tỷ lệ thành viên HĐQT là thành viên độc lập và họp đủ số lần theo quy định. Ngoài ra, chức năng chính theo luật định của HĐQT là giám sát Ban giám đốc/tổng giám đốc, nhưng kết quả đánh giá cho thấy, mức độ tuân thủ chưa đạt 100%.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát thông qua việc áp dụng các thông lệ QTCT tốt. Một số thông lệ tốt bao gồm việc thành lập các tiểu ban hỗ trợ HĐQT, bổ sung chức danh thư ký công ty, có chính sách đa dạng hóa thành phần và kỹ năng của HĐQT, tham gia các khóa đào tạo về QTCT. Để Ban kiểm soát có thể thực hiện chức năng giám sát một cách hiệu quả, Trưởng ban Kiểm soát nên là một kế toán viên/kiểm toán viên chuyên nghiệp.
Thứ ba, có các phương án phòng tránh và xử lý các xung đột lợi ích. Việc tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc sẽ đảm bảo phân định chức năng quản trị và chức năng quản lý điều hành. Điều này giúp hạn chế được xung đột lợi ích có thể xảy ra trong doanh nghiệp và HĐQT sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của người đại diện. Ngoài ra, việc doanh nghiệp có thêm các thành viên HĐQT độc lập và các thành viên không điều hành sẽ là giải pháp tốt để tránh xung đột lợi ích, nâng cao chất lượng QTCT. Điều lệ công ty cũng nên có các điều khoản phòng tránh xung đột lợi ích giữa người nội bộ của công ty với chính công ty và cổ đông.
Mối quan hệ tương quan giữa điểm QTCT và một số yếu tố thị trường:
- Các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn hơn thường có chất lượng QTCT tốt hơn.
- Các doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước càng cao thì điểm QTCT càng cao.
- Các doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài càng cao thì điểm QTCT càng cao.
- Khi chất lượng QTCT càng cao thì giá cổ phiếu càng cao.
- Kết quả cho thấy, tỷ suất ROA và ROE của doanh nghiệp niêm yết có mối quan hệ tỷ lệ thuận với chất lượng QTCT, mỗi một % tăng của điểm QTCT đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,42% và ROE tăng 0,98%.
- Có xu hướng tương quan ngược chiều giữa chất lượng QTCT và tỷ số đòn bẩy tài chính được thể hiện bằng tỷ số tổng nợ/tổng vốn chủ sở hữu.
- Có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa chất lượng QTCT với hệ số TobinQ của doanh nghiệp.