Theo đó, các doanh nghiệp làm tốt sẽ được nhà quản lý vinh danh; những khoảng hở, lỗi sai của doanh nghiệp trong quản trị công ty sẽ được HNX chỉ ra cụ thể để mỗi doanh nghiệp phải soi vào đó và sửa đổi. Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu một số kết quả đánh giá năm nay.
Đánh giá quyền cổ đông qua 8 tiêu chí
351 doanh nghiệp niêm yết tại HNX đã được chấm điểm theo bộ tiêu chí đánh giá, gồm 70 tiêu chí được phân chia theo các nguyên tắc cốt lõi của quản trị công ty, đánh giá cả tính tuân thủ, thông lệ, tự nguyện trong thực thi của doanh nghiệp. Liên quan đến quyền cổ đông, nhà quản lý sử dụng 8 tiêu chí đánh giá (xem bảng) để định hình kết quả tổng thể của 351 doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp đã tiến hành biểu quyết từng vấn đề trong chương trình họp, đạt tỷ lệ khoảng 96%, cao hơn so với năm trước (91%). Các doanh nghiệp ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện một trong các quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình.
Đánh giá cũng cho thấy việc cho phép cổ đông đưa ra các vấn đề thảo luận trong đại hội chưa được các danh nghiệp chú trọng. Điều lệ doanh nghiệp thường quy định cổ đông phải sở hữu tối thiểu bao nhiêu phần trăm trong tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của doanh nghiệp để kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp, tuy nhiên quy định một mức sở hữu quá cao dẫn đến khó khăn cho các cổ đông thiểu số trong việc đưa các vấn đề vào chương trình họp.
Kết quả cho thấy không có doanh nghiệp nào quy định mức sở hữu tối thiểu để kiến nghị vấn đề vào chương trình họp là nhỏ hơn 1% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, 53,6% doanh nghiệp có quy định mức sở hữu tối thiểu từ 1% đến dưới 10% và có 46,4% doanh nghiệp có quy định mức sở hữu tối thiểu từ 10% trở lên hoặc không quy định cụ thể trong Điều lệ công ty.
Liên quan đến cổ tức, đây là một phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp mà cổ đông có quyền được nhận dựa trên số lượng cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ. Quyền được nhận cổ tức là một trong các quyền cơ bản nhất của cổ đông, ảnh hưởng trọng yếu đến các quyết định đầu tư của cổ đông.Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ rằng đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần. Kết quả chấm cho thấy, có tổng cộng 72,4% doanh nghiệp có thông qua mức cổ tức cho 2 năm (năm vừa qua và năm sau), trong khi chỉ có 18% doanh nghiệp thông qua kế hoạch cổ tức cho 1 trong 2 năm và có 9,7% doanh nghiệp không đưa ra phê duyệt vấn đề này trong đại hội đồng cổ đông.
Theo HNX, tại các thị trường phát triển trên thế giới, cổ đông thường có quyền thông qua các giao dịch lớn và đặc biệt là các giao dịch với các bên liên quan của doanh nghiệp, điều này nhằm hạn chế việc Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc lợi dụng các giao dịch lớn để mang lại lợi ích cá nhân và ảnh hưởng lợi ích của cổ đông.
Tỷ lệ được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 là 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Đây là một nội dung cơ bản và quan trọng, nên câu hỏi đưa ra không phải kiểm tra mức độ tuân thủ của doanh nghiệp mà yêu cầu cao hơn là doanh nghiệp đó có đưa ra được tỷ lệ nào nhỏ hơn 35% hay không. Kết quả đã cho thấy có hơn 50% doanh nghiệp niêm yết trên HNX (176/351 doanh nghiệp) có chính sách cho phép cổ đông phê duyệt các giao dịch với các bên liên quan, ví dụ như các công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoặc các cá nhân liên quan đến chính doanh nghiệp đó. Với các doanh nghiệp niêm yết trên HNX, có 50% quan tâm đến chính sách này và thực hiện được cao hơn tỷ lệ đề ra của Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Một số kết quả đáng quan ngại khác về việc đảm bảo quyền cổ đông bao gồm việc các thông tin về các loại cổ phần của doanh nghiệp niêm yết kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu các loại cổ phần này được thể hiện đầy đủ trong Điều lệ của 72,6% doanh nghiệp niêm yết được đánh giá (A1-2).
Mặc dù có cải thiện so với năm trước (67%), nhưng do đây là một trong các yêu cầu tối thiểu trong việc đảm bảo quyền cổ đông được cung cấp các thông tin cơ bản về cổ phần mình nắm giữ. Do đó, tỷ lệ doanh nghiệp làm được điều này mặc dù chiếm đa số chưa phải là một kết quả tốt.
Những điểm yếu kém cụ thể trên có liên quan đến việc thực hiện quyền cổ đông. Thực trạng cho thấy các công ty mới chỉ tuân thủ nguyên tắc về quyền cổ đông trên hình thức nhiều hơn là nội dung và chất lượng. Chỉ có 67% doanh nghiệp cho phép cổ đông biểu quyết lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập tại đại hội.
Trong số đó, chỉ có 22% trường hợp có cổ đông trực tiếp biểu quyết lựa chọn trong khi đó có tới 45% doanh nghiệp có cổ đông đồng ý ủy quyền cho hội đồng quản trị lựa chọn. Điều này cho thấy quyền lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập của cổ đông còn rất hạn chế.
Đánh giá của HNX cũng cho biết, 45% doanh nghiệp niêm yết có cổ đông đồng ý ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn, cho thấy thực trạng các cổ đông chưa thực sự quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của chính mình. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ biểu quyết của cổ đông góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp, gia tăng giá trị doanh nghiệp, từ đó tối đa hóa hiệu suất các khoản đầu tư của chính các cổ đông. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư chưa thực sự nhận thức được điều này, dẫn đến tình trạng không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông.
Tiêu chí mà các doanh nghiệp niêm yết đạt kết quả thấp nhất liên quan đến quyền phê duyệt các quyết định đầu tư có giá trị lớn. Nếu Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ thấp hơn quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 (35%) thì mới được tính điểm. Kết quả cho thấy, chỉ có 4/351 doanh nghiệp có chính sách cho phép cổ đông phê duyệt phê duyệt các quyết định đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị nhỏ hơn 35%.
95 % Doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính bằng tiếng Anh
Để bảo đảm cho cổ đông nước ngoài được tham dự bình đẳng vào đại hội đồng cổ đông thường niên và các quyết định của đại hội, các tài liệu cần được cung cấp bằng một ngôn ngữ thông dụng khác, chủ yếu là tiếng Anh. Thực trạng cho thấy 95% doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và chưa công bố giấy mời họp và chương trình họp bằng tiếng Anh trên website doanh nghiệp. Có đến 98% doanh nghiệp chưa công bố nghị quyết và biên bản đại hội đồng cổ đông bằng tiếng Anh.
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới việc cung cấp thông tin cho cổ đông nước ngoài cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài đó là việc lập và công bố báo cáo tài chính theo các chuẩn mực được quốc tế công nhận.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc hiểu và phân tích báo cáo tài chính của một doanh nghiệp rất quan trọng, đây là một điều kiện tiên quyết trong việc đưa ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng chỉ ra rằng chỉ có 4% doanh nghiệp hiểu rõ được điều này và áp dụng chuẩn mực quốc tế khi xây dựng và công bố báo cáo tài chính.
Tiêu chí có kết quả khả quan duy nhất liên quan đến đối xử bình đẳng với cổ đông là việc doanh nghiệp cung cấp hướng dẫn cho cổ đông thực hiện việc ủy quyền đại diện tham gia đại hội đồng cổ đông, trong đó 83% doanh nghiệp cung cấp hướng dẫn ủy quyền. 12% doanh nghiệp chỉ cung cấp 1 trong 2 nội dung trên và 18% thiếu cả 2 nội dung trên.
Kỳ 2: Công bố thông tin và minh bạch: Doanh nghiệp chưa chạm đến thông lệ tốt