Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị (VIOD)

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị (VIOD)

Chất lượng quản trị cần được ưu tiên hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty là mục tiêu chiến lược quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Mặt bằng chất lượng vẫn ở mức thấp

Khi đề cập tới “mặt bằng áp dụng quản trị công ty” là chúng ta nói đến việc so sánh cấp độ thực hành quản trị công ty của các doanh nghiệp ở Việt Nam với các tiêu chuẩn khu vực ASEAN. Nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty cần được coi là một mục tiêu chiến lược quan trọng và ưu tiên hàng đầu hiện nay. Điều này đã được nêu rõ trong Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, tại mục 3 “Mục tiêu cụ thể” với nội dung: “Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á”.

Việc nâng cao chất lượng quản trị công ty đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Hiện điểm quản trị công ty ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn mức bình quân và thấp nhất trong 6 quốc gia ASEAN. Mức điểm gần nhất công bố năm 2022 của Việt Nam là 57,6/130 điểm.

Theo kết quả đánh giá quản trị công ty năm 2024 của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA), điểm số về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá sơ bộ 2024 Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN - ASEAN Corporate Governance Scorecard (ACGS), Việt Nam vẫn chưa thể đạt được mức độ trung bình, cần nỗ lực rất lớn của từng doanh nghiệp niêm yết và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.

Tuân thủ là chưa đủ

Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) là đối tác kỹ thuật cho cả hai chương trình đánh giá quản trị công ty của Việt Nam và VLCA & ACGS. Chúng tôi cho rằng, để nâng cao mặt bằng quản trị công ty, từng doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể và chương trình hành động mạnh mẽ, tập trung để cải thiện chất lượng quản trị của mình.

Việc thực hành quản trị công ty theo tư duy tuân thủ là chỉ làm đúng (không làm sai) là không thể đủ. Từng doanh nghiệp niêm yết cần có tư duy áp dụng các thông lệ tốt, được dẫn dắt bởi các nguyên tắc quản trị công ty tốt (Việt Nam CG Code), vượt lên trên sự tuân thủ để làm đủ và làm tốt nhất quản trị công ty, từ đó, góp phần nâng cao tổng thể mặt bằng chung của Việt Nam.

Việc thực hành quản trị công ty theo tư duy tuân thủ là chỉ làm đúng (không làm sai) là không thể đủ. Từng doanh nghiệp niêm yết cần có tư duy áp dụng các thông lệ tốt, được dẫn dắt bởi các nguyên tắc quản trị công ty tốt.

Yếu tố tiên quyết đầu tiên để nâng cao chất lượng quản trị công ty chính là thay đổi nhận thức và tư duy của các nhà lãnh đạo, bao gồm các thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị phải đảm bảo rằng việc xây dựng và thực hiện chiến lược của doanh nghiệp luôn hướng đến các mục tiêu minh bạch, hiệu quả và bền vững. Để đạt được điều này, cần thiết phải đưa các vấn đề quản trị công ty và yếu tố ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh hàng năm.

Ví dụ, trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2024 - 2025, các doanh nghiệp cần phải có mục tiêu rõ ràng về ESG, với các nội dung cụ thể được bàn luận và giám sát tại các cuộc họp hội đồng quản trị.

Đồng thời, nhận thức này cần phải xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống điều hành doanh nghiệp, từ cấp hội đồng quản trị đến ban điều hành và các phòng, ban. Việc này đòi hỏi một quá trình lồng ghép có hệ thống các yếu tố quản trị công ty và ESG vào nội dung họp định kỳ của hội đồng quản trị và ban điều hành để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả.

Thêm vào đó, quản trị công ty không chỉ dừng lại ở việc tuyên bố hoặc xây dựng các chính sách trên giấy tờ, mà cần được cụ thể hóa bằng các quy chế và quy trình rõ ràng. Để làm được điều này, hệ sinh thái quản trị công ty phải được xây dựng một cách đồng bộ, gắn với các quy chuẩn và quản trị rủi ro nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi. Cấu trúc quản trị công ty cần phải đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc điều hành doanh nghiệp. Các quy trình cần được xây dựng rõ ràng để đo lường và quản lý rủi ro ở các cấp độ quản lý khác nhau, từ cấp cao nhất đến cấp trung và cấp cơ sở, nhằm đảm bảo quản trị công ty được thực hiện một cách triệt để và nhất quán.

Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty là khả năng lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS). Quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh không chỉ đơn thuần là dịch từ báo cáo tiếng Việt sang tiếng Anh. Việc công bố thông tin định kỳ, các thông tin quan trọng liên quan đến yêu cầu công bố thông tin cũng cần được chuyển ngữ sang tiếng Anh đồng bộ với tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch, mà còn khẳng định sự chuyên nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.

Không những vậy, minh bạch về mặt tài chính cũng là một yếu tố cốt lõi trong quản trị công ty. Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và các chuẩn mực liên quan đến phát triển bền vững và ESG. Việc này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo rằng các quy chuẩn quốc tế được thực hiện một cách nhất quán và có hệ thống.

Sự minh bạch tài chính không chỉ mang lại lợi thế cho doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và tăng cường niềm tin từ phía các cổ đông và các bên liên quan. Việc lập báo cáo tài chính theo IFRS không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao uy tín, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế, mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường mới.

Minh bạch về tài chính là một yếu tố cốt lõi trong quản trị công ty

Minh bạch về tài chính là một yếu tố cốt lõi trong quản trị công ty

Chính sách nhất quán thúc đẩy quản trị công ty theo thông lệ tốt

Để áp dụng thành công các chuẩn mực quốc tế nói trên, sự hỗ trợ chặt chẽ và đồng hành từ các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng cần thiết. Các cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những chính sách nhất quán và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế một cách hiệu quả.

Đồng thời, việc xây dựng các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực về quản trị công ty cũng cần được chú trọng, nhằm cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp những kiến thức cần thiết và cập nhật các quy định mới nhất. Điều này không chỉ đảm bảo rằng các doanh nghiệp hiểu rõ các chuẩn mực quốc tế mà còn giúp họ áp dụng chúng một cách chính xác và linh hoạt trong thực tế.

Như vậy, để nâng cao mặt bằng áp dụng quản trị công ty theo các chuẩn mực quốc tế, từng doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, xây dựng hệ sinh thái quản trị gắn liền với quản trị rủi ro, nâng cao năng lực lập báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và áp dụng các thông lệ quốc tế. Đồng thời, sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thông qua các chính sách nhất quán là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện thành công những cải cách này.

Tin bài liên quan