Ông Kiệt cho biết, từ cuối năm 1999, Agtex đã kêu gọi Chính phủ thành lập một trường đào tạo nguồn nhân lực quản lý cho riêng ngành dệt may, nhưng không có kết quả. Do vậy, từ năm 2005, nhóm 17 doanh nghiệp (DN) thuộc Agtex đã đứng ra thành lập Trung tâm Đào tạo dệt may quốc tế (IGTC), nhằm đào tạo cho đội ngũ cán bộ các kỹ năng về điều hành sản xuất, tiếp thị, bán hàng... Việc đào tạo được tiến hành từ giữa năm 2006 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Viện trợ phát triển Đan Mạch (Danida) và Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân Mê Kông (MPDF). Sau một năm hoạt động, IGTC đã “cho ra đời” đội ngũ cán bộ am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù Trung tâm hoạt động khá hiệu quả, song giờ đây ông Kiệt lại đang đứng trước một nỗi lo mới: những trung tâm đào tạo tư nhân, phải tự đầu tư mọi chi phí như IGTC không khỏi gặp khó khăn, do chi phí hoạt động cao, trong khi mức phí đào tạo lại thấp (để các DN có quy mô nhỏ và vừa cũng tham gia được). Trong khi đó, theo kế hoạch, các chương trình hỗ trợ của Danida và MPDF sẽ chấm dứt vào cuối tháng 9 năm nay. “Điều này khiến chúng tôi rất thật sự lo lắng về khả năng tiếp tục công việc đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành dệt may”, ông Kiệt nói.
Rõ ràng, với một ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may (hơn 2 triệu lao động), thì chất lượng của nguồn nhân lực chính là một trong những yếu tố mang tính sống còn cho cả ngành. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ góp phần làm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo nhận định của ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, lâu nay, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ là lợi thế của Việt Nam. Nhưng trong tương lai, ngành dệt may không thể phát triển theo cách cũ là dựa vào nguồn nhân công rẻ, mà phải chuyển sang giai đoạn mới là khai thác phần giá trị tăng thêm trong sản phẩm. Theo đó, các DN sẽ phải tự thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức bán hàng... Và điều này, đương nhiên đòi hỏi nhân lực phải có một trình độ nhất định. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện chưa bao giờ cũ - chất lượng nguồn nhân lực cho ngành dệt may - cần được “xới” lên, để các cấp, ngành cùng dốc sức tìm được giải pháp thỏa đáng.