Bởi con số này khác xa so với con số lợi nhuận 35 tỷ đồng trên báo cáo tài chính cùng năm, hay hàng trăm tỷ đồng trong những năm trước đó đã được kiểm toán xác nhận.
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết từng bất ngờ đổ vỡ hay lộ ra những khoản thua lỗ nặng, mà trước đó không có tín hiệu cảnh báo nào từ phía kiểm toán độc lập. Hồi giữa năm 2016, CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành gây sốc khi bất ngờ báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong quý II/2016.
Khoản lỗ này xuất phát từ việc thiếu hụt gần 900 tỷ đồng hàng tồn kho mà chỉ khi cổ đông lớn đưa đơn vị kiểm toán mới vào soát xét mới phát hiện ra... Trước đó, nhà đầu tư cũng không từng được cảnh báo trước sự đổ vỡ của Dược Viễn Ðông, Thiết bị y tế Việt - Nhật...
Những câu chuyện trên đây khiến không ít người đặt câu hỏi: Vì đâu những “cái chết” bất ngờ liên tục tái diễn? Có hay không sự thông đồng giữa kiểm toán viên với khách hàng? Kiểm toán viên chịu trách nhiệm tới đâu trước những mất mát của cổ đông, nhà đầu tư?
Trong câu chuyện tại Oceanbank, thiệt hại của PVN được xác định là 800 tỷ đồng, nhưng còn không ít cổ đông chết lặng khi số tiền gom góp cả đời bỏ ra mua cổ phiếu của ngân hàng này vì tin vào những số liệu tài chính tích cực bỗng chốc tan thành mây khói.
Tất nhiên, không thể quy hết trách nhiệm cho kiểm toán viên với gian lận, sai sót trong báo cáo tài chính sau kiểm toán, bởi kiểm toán viên là người xem xét tính trung thực, hợp lý của bản báo cáo tài chính trên cơ sở những bằng chứng là các chứng từ kế toán do doanh nghiệp cung cấp.
Nếu doanh nghiệp cố tình gian lận, hợp thức hóa các chứng từ kế toán thì các kiểm toán viên không thể phát hiện ra được. Nhưng, để hạn chế những câu chuyện tương tự trên thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, việc tăng cường sàng lọc chất lượng đầu vào và tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán đang là đòi hỏi thiết yếu từ thực tiễn.
Ðây cũng đang là ưu tiên của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, như bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán.
Vậy nhưng, trong khâu sàng lọc đầu vào, có một quy định đang khiến nhiều người quan ngại có thể tạo sức ép lên doanh nghiệp kiểm toán, đẩy họ vào tình huống phải thỏa hiệp với khách hàng.
Ðó là tại Nghị định 84/2016/NÐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, có quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp kiểm toán phải phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính (hoặc báo cáo soát xét bán niên) tối thiểu cho 20 đơn vị có lợi ích công chúng trong năm liền kề trước khi nộp hồ sơ xin được chấp thuận kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cơ quan quản lý có lý do để đưa ra tiêu chuẩn này: Số lượng khách hàng phản ánh uy tín của doanh nghiệp kiểm toán. Nhưng với việc đưa ra tiêu chí cứng về số lượng khách hàng lại có thể dẫn tới một nguy cơ: Công ty kiểm toán có thể không giữ được sự độc lập, khách quan - lý do để tồn tại dịch vụ kiểm toán độc lập - để giữ chân khách hàng.
Chuẩn mực kiểm toán cho phép kiểm toán viên cái quyền từ chối khách hàng khi nhận thấy có rủi ro nghề nghiệp, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, kiểm toán viên, công ty kiểm toán rất có thể “nhắm mắt” bỏ qua rủi ro cho đạt đủ số lượng hợp đồng, để tránh bị loại khỏi danh sách được cung cấp dịch vụ.
Vậy trong khâu giám sát chất lượng thì sao? Với các trường hợp kiểm toán viên bị phát hiện có vi phạm về chất lượng dịch vụ, quy định hiện hành (Thông tư 157/2014/TT-BTC) đưa ra hình thức xử lý cao nhất là đình chỉ hành nghề trong vòng 1 năm. Quy định này quá nhẹ so với các nước phát triển. Trong vụ đổ vỡ tại Tập đoàn Enron (Mỹ), kiểm toán viên của Arthur Andersen đã bị truy tố.
Trên thị trường quốc tế, chuyện các công ty kiểm toán chịu án phạt tiền tới hàng triệu USD khi doanh nghiệp họ kiểm toán bị điều tra có gian lận báo cáo tài chính trước đó vẫn được truyền thông rộng rãi tại Việt Nam.
Nói gì thì nói, muốn kiểm toán viên tuân thủ, chế tài phải đủ sức răn đe và như lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán chia sẻ, bên cạnh định hướng tăng cường giám sát chất lượng là phải nghiên cứu đưa ra chế tài theo hướng tăng nặng. Cùng với đó, cần xem xét lại tiêu chí về số lượng khách hàng khi sàng lọc chất lượng để bớt đi một nguy cơ về sự thỏa hiệp giữa phía doanh nghiệp kiểm toán và khách hàng của mình.