Liên quan đến vấn đề này, ĐTCK có cuộc trao đổi với bà Trần Thúy Ngọc (ảnh), Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Điểm mới quan trọng trong Luật Kiểm toán độc lập là quy định rõ quyền và trách nhiệm của DN được kiểm toán đối với quá trình kiểm toán BCTC. Điều này sẽ góp phần tạo ra những thay đổi quan trọng nào về chất lượng BCTC được kiểm toán, đặc biệt là đối với DN niêm yết, thưa bà?
Luật Kiểm toán độc lập có những quy định rõ ràng, đầy đủ về nghĩa vụ và quyền hạn của đơn vị được kiểm toán, các công ty kiểm toán (CTKT) và kiểm toán viên (KTV) hành nghề.
Việc phân vai rất rõ ràng về nghĩa vụ pháp lý của các đối tượng này là điểm mới rất quan trọng để tạo sự minh bạch hơn trong hoạt động kiểm toán độc lập, nhất là minh bạch về trách nhiệm với kết quả kiểm toán BCTC. Theo đó, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng của BCTC đã được kiểm toán.
Chất lượng thông tin BCTC do các đơn vị được kiểm toán lập ra là yếu tố quan trọng nhất đối với chất lượng của BCTC đã được kiểm toán.
Chỉ BCTC có thông tin đầy đủ, chính xác và tuân thủ theo các chuẩn mực kế toán mới là cơ sở đảm bảo để KTV đưa ra ý kiến xác nhận về tính trung thực và hợp lý của báo cáo.
Điều 39, Luật Kiểm toán độc lập quy định về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, trong đó, nhấn mạnh đến đơn vị được kiểm toán phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, trung thực các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTV và CTKT; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý của các thông tin và tài liệu đã cung cấp... Đây là điều mà trước đây chưa được quy định rõ ràng.
Với quy định này, những hạn chế trong phạm vi kiểm toán gây ảnh hưởng đến ý kiến của KTV trên báo cáo kiểm toán do không được cung cấp đầy đủ tài liệu, hoặc được cung cấp tài liệu không kịp thời sẽ được hạn chế rất nhiều.
Đặc biệt, Luật quy định DN được kiểm toán, người chịu trách nhiệm lập ra BCTC phải điều chỉnh các sai sót của BCTC theo kiến nghị của các KTV để đảm bảo báo cáo kiểm toán không có các ý kiến ngoại trừ.
Quy định này được hiểu rằng, các đơn vị được kiểm toán không chỉ lập BCTC để cung cấp cho các KTV và CTKT, mà họ còn phải có trách nhiệm lập lại BCTC để thực hiện các kiến nghị điều chỉnh do KTV đưa ra.
Do đó, BCTC sẽ không còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan (nếu có) của người lập ra BCTC. Qua đó, hạn chế rất nhiều những ý kiến ngoại trừ trên báo cáo của KTV.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn đối với các công ty niêm yết, công ty đại chúng bởi, nếu có ý kiến ngoại trừ thì công chúng đầu tư và người đọc rất cần thiết phải lưu ý phân tích sâu các thuyết minh BCTC của các DN này.
Các cổ đông sẽ có quyền đòi hỏi DN giải trình rõ về trách nhiệm pháp lý của ban lãnh đạo DN đối với ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán. Yêu cầu này thực sự là một sức ép không nhỏ với lãnh đạo DN nếu muốn có một BCTC được kiểm toán "chấp nhận toàn phần". Đây cũng là điều kiện quan trọng để KTV không đưa ra ý kiến ngoại trừ, gây khó hiểu cho người đọc BCTC.
Vậy còn trách nhiệm của các CTKT được thể hiện cụ thể ra sao trong quá trình kiểm toán để đảm bảo đưa ra BCTC có chất lượng cao?
Khi các đơn vị được kiểm toán và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu để có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho việc lập BCTC đã đảm bảo việc lập BCTC theo đúng chuẩn mực kế toán và các quy định hiện hành có liên quan về kế toán và đã cung cấp tài liệu trong quá trình kiểm toán theo quy định của luật và thực hiện điều chỉnh sau khi có ý kiến của KTV, thì trách nhiệm còn lại đối với chất lượng của BCTC đã được kiểm toán sẽ thuộc về các KTV và CTKT.
Các CTKT phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình kiểm toán theo đúng các chuẩn mực kiểm toán, phải bố trí nhân sự có đủ trình độ chuyên môn để đảm bảo chất lượng dịch vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm trước khách hàng của mình cũng như trước pháp luật về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã giao kết.
Các CTKT ngày càng phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe hơn nếu muốn được chấp thuận kiểm toán các DN niêm yết. Theo bà, điều này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho TTCK, NĐT như thế nào?
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế lựa chọn CTKT được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra xin ý kiến mới đây đã bổ sung một số quy định mới mang tính "khắt khe" hơn đối với CTKT về vốn, KTV hành nghề và số lượng khách hàng tối thiểu trong năm.
Theo tôi, việc đưa ra yêu cầu cao hơn về quy mô vốn, số lượng KTV hành nghề và số lượng khách hàng của các CTKT được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán là rất cần thiết.
Điều này để đảm bảo rằng các CTKT được chấp thuận cần nâng cao nguồn lực và có cam kết cao về chất lượng kiểm toán, thể hiện chất lượng này trên báo cáo kiểm toán phát hành được sử dụng rộng rãi trong công chúng, nhà đầu tư.
Ví dụ, như quy định về yêu cầu số lượng KTV hành nghề tối thiểu phải là 7 người (thay vì đang là 5 người), thậm chí có một số ý kiến cho rằng, cần tăng lên 10 người.
Đây là quy định cần thiết để đảm bảo chất lượng của các cuộc kiểm toán, không chỉ có KTV thực hiện kiểm toán, mà còn cần có KTV độc lập thực hiện soát xét chất lượng, thực hiện đánh giá rủi ro…
Hay quy định về vốn của các CTKT, đề cập đến vốn pháp định tối thiểu phải từ 4 tỷ đồng hoặc 5 tỷ đồng trở lên là nhằm đảm bảo các công ty có nguồn lực tài chính tốt, để có thể tuyển dụng, đào tạo nhân viên, đầu tư công nghệ để hỗ trợ hệ thống đánh giá rủi ro, kiểm soát nội bộ…
Các quy định về việc công khai thông tin nhiều hơn và bắt buộc công khai qua website của các CTKT cũng sẽ là một kênh thông tin quan trọng để NĐT có thể có thêm nhiều thông tin về các CTKT.
Một điều khá quan trọng trong việc đảm bảo đánh giá/thẩm định chất lượng của các BCTC đã được kiểm toán phát hành ra công chúng là cần có một bộ phận giám sát chất lượng kiểm toán của Bộ Tài chính.
Bộ phận này ngoài việc giám sát chất lượng kiểm toán, sẽ thực hiện việc thẩm định các báo cáo này, đánh giá khi cần thiết và xử lý các bất đồng hoặc tranh chấp khi có những ý kiến khác nhau về chất lượng của BCTC.