1. Mới đây, trong câu chuyện về thị trường chứng khoán trong nước, anh bạn đang làm Phó tổng giám đốc tại một công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 tại Việt Nam đã chỉ ra 3 thách thức rất lớn với chất lượng hàng hóa trên thị trường. Trước hết đó là chất lượng quản trị doanh nghiệp. Các vi phạm lớn tại một số doanh nghiệp trong thời gian gần đây đều liên quan đến một cá nhân hay một nhóm cá nhân có lợi ích và quyền hạn lớn, biến hội đồng quản trị thành bù nhìn.
Ở các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới đều có yêu cầu, hội đồng quản trị của doanh nghiệp phải độc lập với ban lãnh đạo, bao gồm việc khống chế tỷ lệ thành viên ban lãnh đạo nằm trong hội đồng quản trị; phải có bộ phận kiểm toán độc lập trực thuộc hội đồng quản trị, hay có ủy ban tiền lương độc lập quyết định lương và lợi ích cho ban điều hành.
Đề cập đến bộ lọc cho hàng hóa trên sàn là việc giám sát tính tuân thủ của các doanh nghiệp từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hay các hội nghề nghiệp, vị chuyên gia này nhận xét, việc kiểm tra giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và hội nghề nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, mà chưa đi sâu được vào bản chất. Tuy nhiên, cái khó ở đây chính là việc đi sâu vào bản chất đòi hỏi chất lượng nhân sự, chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm…
Trong khi đó, hiện nay, chất lượng các công ty kiểm toán không được đảm bảo và kiểm toán báo cáo tài chính đang được hiểu như là hàng hóa. Do vậy, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các công ty kiểm toán có mức phí rẻ và "dễ bảo".
Những nhận xét trên khá tương đồng với một bản kiến nghị của Công ty Kiểm toán PwC với ngành chứng khoán tại một hội nghị triển khai công tác đầu năm. Cụ thể, PwC cho rằng, chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng, nhằm giảm rủi ro và tăng giá trị cho nhà đầu tư, do đó, giải pháp cốt yếu cho thị trường chứng khoán là tăng chất lượng hàng hóa để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư trên thị trường.
PwC kiến nghị ngành chứng khoán cần tập trung vào 3 mảng việc là minh bạch và công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp và báo cáo hệ thống kiểm soát nội bộ.
Theo công ty kiểm toán này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần cân nhắc, ban hành quy định chặt chẽ về vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị bảo lãnh và tổ chức kiểm toán bản cáo bạch khi doanh nghiệp lên sàn hay phát hành chứng khoán huy động vốn.
Cùng với đó, cần có chế tài xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp không tuân thủ chuẩn mực kế toán, trình bày báo cáo tài chính để buộc các doanh nghiệp có ý thức cao hơn trước công chúng khi công bố loại thông tin này. Nhà quản lý cũng cần thúc đẩy việc các doanh nghiệp công bố thông tin về xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, các sự kiện bất thường tại doanh nghiệp, để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp.
2. Số doanh nghiệp niêm yết đã liên tục tăng lên qua các năm: (nếu khởi đầu chỉ là 2 doanh nghiệp thì đến năm 2010 đạt 632 và nay đạt gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên HNX, HOSE – không tính UPCoM). Tuy nhiên, một mặt so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (hơn 500.000 thì số doanh nghiệp niêm yết còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp chưa đại diện cho nền kinh tế Việt Nam khi tỷ lệ đa số là các doanh nghiệp có vốn điều lệ trong mức 100 tỷ đồng (trên 60%), chỉ có 43% doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 200 tỷ đồng.
Giám đốc một quỹ đầu tư đến từ Nhật trong câu chuyện với chúng tôi gần đây đã đánh giá: Việt Nam hiện đang có quá nhiều công ty niêm yết có quy mô nhỏ và hoạt động không theo quy chuẩn. Số lượng công ty lớn, hoạt động lành mạnh với bề dày về quản trị công ty tốt còn khá hạn chế.
Để tăng độ hấp dẫn của thị trường, cần có thêm những doanh nghiệp tốt, tăng trưởng bền vững mà nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn. Với những nhà đầu tư này, cơ hội để lựa chọn đầu tư vào các công ty tốt vẫn còn rất hạn chế, quanh đi quẩn lại vẫn là vài mã đã kín room như VNM, FPT, BMP, DHG…
Một động thái tích cực với thị trường là sau quyết định của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tính đại chúng của các doanh nghiệp vẫn rất hạn chế, thể hiện ở việc cổ đông nhà nước hoặc các cổ đông chi phối trong doanh nghiệp chưa sẵn sàng mở rộng cánh cửa, không thoái bớt vốn nên mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng không cải thiện là bao. Dòng vốn mới vào thị trường vẫn còn thấp trong khi đó, quy mô là yếu tố rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán.
Để thu hút dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam, các quỹ đầu tư đi trước cần nhận lại tiền gốc đầu tư ban đầu cùng với lợi nhuận. Công ty quản lý quỹ có thành tích tạo ra lợi nhuận tốt sẽ tạo ra sự tin tưởng và thu hút các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dường như rất hiếm nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp có bảng thành tích hấp dẫn.
Một thách thức lớn đối với ngành chứng khoán Việt Nam là dù đã xây dựng được chuẩn (hay nói khác là điều kiện) niêm yết trên HOSE và HNX khá chặt chẽ, nhưng vẫn có những doanh nghiệp niêm yết khiến cộng đồng nhà đầu tư và dư luận bức xúc khi đưa hàng mới lên sàn. Dựa vào đâu để chặn những doanh nghiệp này trong khi họ không sai quy định?
Vẫn còn đó những câu hỏi và nỗi băn khoăn của thị trường về biến động giá quá phi lý của một số mã chứng khoán, những cái bẫy giăng sẵn và thử thách lòng tham cũng như bản lĩnh của nhà đầu tư. Khi mất tiền, nhà đầu tư mất niềm tin vào chất lượng hàng hóa trên thị trường và tìm cớ đổ lỗi cho cơ quan quản lý. VN-Index so với đỉnh hiện dao động trong khoảng 55 - 65%, so với đáy là 450 - 480%. Một sự tăng trưởng ấn tượng, nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường lại không có sự tăng trưởng tương ứng.
Thị trường chứng khoán đang đứng trước những bước ngoặt lớn, trước hết là sự kiện hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán. Nhiều thành viên thị trường hy vọng rằng, cơ quan quản lý sẽ sớm có những nghiên cứu và ban hành các tiêu chí để phân định chất lượng cổ phiếu, phân bảng cổ phiếu trên thị trường, qua đó, hỗ trợ nhà đầu tư nhận diện được chất lượng hàng hóa và có khẩu vị đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, cũng như gia tăng các hoạt động hậu kiểm đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin mà doanh nghiệp công bố có khả năng ảnh hưởng trọng yếu đến giá cổ phiếu, tăng cường giám sát đường đi của những giao dịch có dấu hiệu bất thường…
Khi phát hiện doanh nghiệp công bố thông tin không đúng sự thật, nhà đầu tư thao túng giá, cần xử phạt nặng, đồng thời công khai kết quả xử lý rộng rãi trên thị trường, qua đó, giúp nhà đầu tư nhận diện được những hành vi vi phạm, những rủi ro có thể có trong giao dịch.
Một bài báo gần đây của Tạp chí Nickkei (Nhật Bản) đã xếp Việt Nam vào nhóm 3 thị trường chứng khoán được chú ý nhất châu Á, cùng với Ấn Độ và Philippines. Song thực tế là quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng cách quá xa so với hai thị trường trên.
Tính đến cuối tháng 8/2016, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 58,1 tỷ USD (tính trên HOSE), trong khi thị trường Philippines đạt tới 271 tỷ USD, còn Ấn Độ là 1.630 tỷ USD. Chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong chỉ số Frontier Markets Index dành cho nhóm những thị trường sơ khởi.
Sẽ còn nhiều việc phải làm để thực hiện được mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào trong nhóm những thị trường mới nổi, trong đó có việc cải thiện chất lượng hàng hóa và gia tăng quy mô thị trường.